Đội tuyển Việt Nam không 'sống chết' với Asian Cup thì làm gì?

Thể thaoThứ Hai, 27/03/2017 12:17:00 +07:00

Tuyển Việt Nam không “sống chết” với Asian Cup thì còn “sống chết” với cái gì, thưa ông Lê Thụy Hải? – người đã đặt câu hỏi: “Đội tuyển Việt Nam vào Asian Cup để làm gì?”.

1. “Sống chết” với AFF Cup thì đúng rồi, vì nó là giải đấu khu vực, bao năm qua đội tuyển Việt Nam nếm đủ cay đắng ngọt bùi ở đây. Người hâm mộ cũng rất “máu” cổ vũ cho tuyển Việt Nam ở sân chơi này, VFF thì còn “hăng máu” hơn nên bao năm luôn lấy nó là mục tiêu, thước đo, giá trị quyết định tới sự sống còn của một ông huấn luyện viên cầm đội tuyển…

24QM - DTVN vs DAI LOAN         17

Đội tuyển Việt Nam không chiến đấu cho những mục tiêu châu lục thì làm gì? (Ảnh: Quang Minh) 

Nhưng AFF Cup 2 năm tổ chức một lần và vào những năm chẵn. Nếu chỉ “sống chết” với AFF Cup thì khoảng thời gian giữa 2 năm ấy, đội tuyển Việt Nam làm gì? Ngồi chơi xơi nước chờ AFF Cup à?

Thực tế, luôn có 2 sân chơi khác cho tuyển Việt Nam là vòng loại World Cup, vòng loại Asian Cup. World Cup thì xa vời nhưng Asian Cup không thể để nó mãi xa vời được. Vì nếu trong đầu cứ tồn tại kiểu nghĩ của HLV Lê Thụy Hải, rằng, “Đội tuyển Việt Nam vào Asian Cup để làm gì?” thì đến bao giờ mới hết 2 năm… đợi AFF Cup?

Trong “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ghi rõ: “Coi việc nâng cao thành tích bóng đá ở cấp độ đội tuyển vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bóng đá, đồng thời là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”.

Vì thế mục tiêu cũng rất cụ thể. Đó là giai đoạn 2012 – 2020, đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á.

Tiếp đến giai đoạn 2021 – 2030, bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á.

Đặt ra như thế rồi, đội tuyển Việt Nam đứng yên đợi nó đến được sao? Nhanh chậm thì còn nhiều yếu tố, nhưng quan trọng phải đi, không thể đứng giậm chân một chỗ mà hô tiến lên. Đi ở đây trước hết là tinh thần, thái độ muốn đi.

Vậy thì hãy vứt tư tưởng của ông Lê Thụy Hải sang một bên mà “sống chết” với Asian Cup đi, kết quả bàn sau. Không có gì là thừa cả. Giải đấu nào cũng có kết quả, bài học hết.

HLV Le Thuy Hai 2

 Ông Lê Thụy Hải là một người cá tính, thực tế nhưng không nên tiêu cực hóa vấn đề. (Ảnh: Quang Minh)

2. Nếu tuyển Futsal Việt Nam sợ "bóng đè" của Thái Lan ở khu vực thì không có ngày đến Colombia dự Futsal World Cup như năm vừa qua.

Nếu U19 Việt Nam không chiến đấu với tinh thần lạc quan để rồi có tâm lý thoải mái, có sự may mắn cộng hưởng thì cũng chẳng có tấm vé lịch sử đến Hàn Quốc vào tháng 5 này so tài với U20 Pháp, U20 Honduras, U20 New Zeland tại giải thế giới.

Video: U19 Việt Nam cứ theo cách nghĩ của anh Hải sẽ tới đâu?

Khoan bàn chuyện U20 Việt Nam đi tới đâu ở Hàn Quốc, hãy nói về tinh thần chúng ta giành vé đến Hàn Quốc. Nó chính là tinh thần chung của bóng đá Việt Nam lúc này. Và nó giống như câu nói kinh điểm của Lỗ Tấn: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".

3. Ông Lê Thụy Hải từng dẫn dắt B.Bình Dương 4 lần giành chức vô địch V-League. Nhưng B.Bình Dương thực sự được cả châu lục biết đến năm 2009 lại do ông Mai Đức Chung dẫn dắt. Khi đó, đội bóng đất Thủ đã lọt vào tới bán kết AFC Cup.

Trên hành trình vào top 4 AFC Cup năm ấy, quân của ông Chung rất máu và thi đấu với tinh thần không ngại đối thủ nào. Chính sự lạc quan, tự tin, không buông giải đấu mới làm nên một B.Bình Dương ở châu lục, khác B.Bình Dương ở sân chơi V-League của ông Lê Thụy Hải.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn