Cả nền bóng đá Argentina 'chuyền bóng' cho Messi: Bi kịch của thiên tài

Thể thaoThứ Năm, 04/07/2019 07:00:00 +07:00

Messi là vấn đề của Argentina, Argentina là vấn đề của Messi, cả hai sẽ còn thụt lùi nếu cứ miễn cưỡng gắn bó với "cuộc tình" vốn không bao giờ có cái kết đẹp.

Dani Alves đi bóng điệu nghệ, chọc khe xuống cho Roberto Firmino căng ngang để Gabriel Jesus ghi bàn. Gần một giờ đồng hồ sau, Jesus kiến tạo "đáp lễ" để Firmino ghi bàn thắng thứ hai. Điểm chung của cả hai tình huống là gì? Brazil ghi bàn, bóng nằm gọn trong lưới, và máy quay hướng đến vị trí của... Lionel Messi.

Số 10 của Argentina vuốt mũi, cúi đầu, ánh mắt buồn bã. Đó là hình ảnh dễ tưởng tượng nhất khi nhớ về Messi trong màu áo Argentina.

Messi 1 3

 Messi bất lực toàn phần.

Hình ảnh máy quay hướng về phía Messi còn có một ngụ ý khác. Ở Argentina, dù thắng, dù thua, chơi tốt hay đá dở, người ta cũng chỉ nói về mình Messi. World Cup 2018, thủ môn Willy Caballero mắc lỗi dẫn đến bàn thua, người ta nói về Messi. Kylian Mbappe có màn trình diễn đẳng cấp, báo giới vẫn dành riêng vài trang cho Messi. Gonzalo Higuain không thắng được Manuel Neuer trong pha đối mặt ở chung kết World Cup 2014, đoán xem ai sẽ là người được nhắc tên?

Lại là Messi. 

Siêu sao của Barcelona được suy tôn là G.O.A.T (Greatest of all times, nghĩa là xuất sắc nhất mọi thời đại). Tuy nhiên, "Goat" trong tiếng Anh còn có nghĩa là con dê - loài vật được đem ra để "tế thần". Messi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất ở Barca, nhưng ở Argentina, anh đích thực là "vật tế thần". 

Khi Argentina bại trận trước Chile trên chấm 11m, Messi bị bêu riếu, chỉ trích, thậm chí bị doạ giết. Thiago, con trai của Messi từng ngây thơ hỏi anh "tại sao bố bị ghét nhiều thế?". 2 lần từ giã ĐTQG là 2 lần trở lại ngoạn mục, một trong số đó là cú đúp bàn thắng vào lưới Ecuador giúp Argentina lách cửa hẹp để có vé đi World Cup.

Messi 1

Messi liệu đã thấy mệt? (Ảnh: B&R Football) 

Khi Messi tuyên bố chia tay đội tuyển Argentina, CĐV "gào khóc" mong anh trở lại. Khi đội tuyển Argentina thất bại, gánh nặng lên đôi vai "El Pulga" lại tăng thêm nhiều phần.

Với Messi, đội tuyển Argentina giống như "bỏ thì thương mà vương thì tội". Sau rất nhiều thất bại và đớn đau, Messi vẫn ở lại Argentina để cố gắng giành ít nhất một danh hiệu. Cả sự nghiệp vĩ đại, Messi đã có đủ vinh quang với Barca. Một cầu thủ không nhất thiết phải giành vinh quang ở cả CLB và ĐTQG để bước vào ngôi đền huyền thoại, song Messi luôn muốn nhiều hơn thế. 

Sự cố chấp, gần giống như Gianluigi Buffon bất ngờ trở lại Juventus để giành Champions League, đồng thời yêu cầu HLV Maurizio Sarri cho bắt chính 8 trận để vượt kỷ lục ra sân của Paulo Maldini. Mọi huyền thoại đều... ích kỷ, mà không phải lúc nào, khát khao thành công của một cá nhân cũng mang lại động lực cho tập thể. 

Messi Argentina

 Messi là "con số 0" trong phòng truyền thống của Argentina. 

Messi rất hay, rất giỏi, và đó chính là vấn đề của Argentina. Tất cả các đời HLV từ sau năm 2009 đều xây dựng lối chơi của Argentina xung quanh Messi, song mẫu số chỉ có một: thất bại.

Đã qua rất lâu rồi thời kỳ một tay Diego Maradona đưa đội tuyển Argentina lên đỉnh thế giới hay Zinedine Zidane kéo con tàu Pháp già cỗi vào chung kết World Cup. Sự phát triển của khoa học thể thao cùng hàng loạt biến thể chiến thuật khiến những đội bóng "một người" hầu như không gặt hái được vinh quang. Khi xây dựng lối đá với Messi là hạt nhân, các đồng đội xung quanh anh phải có đẳng cấp cao, đồng thời hiểu ý Messi trong từng pha di chuyển, phối hợp.

Ở Barca, chỉ cần Messi liếc mắt, Jordi Alba đã thực hiện cú bứt tốc ở hành lang cánh hay Luis Suarez chạy chỗ hút người. Ở ĐT Argentina, Messi xoay bóng 3 vòng vẫn chưa thấy đồng đội. Xung quanh anh là Rodrigo De Paul - tiền vệ của đội trụ hạng Udinese, Acuna - cầu thủ hạng hai chơi cho Sporting Lisbon hay Giovanni Lo Celso - "sao xịt" của Paris Saint-Germain.

Phía trên Messi, Aguero mất phong độ, Lautaro Martinez thiếu kinh nghiệm. Một đội bóng như thế, có nhắm mắt đối thủ cũng biết phải kèm ai.

Messi 2 4

3 cơ hội rõ nét nhất của Argentina trong trận này đều đến từ đôi chân của Messi. Cầu thủ 32 tuổi đá phạt chính xác cho Aguero đánh đầu dội xà ngang, nhả bóng hợp lý cho De Paul dứt điểm trái phá hay tự mình sút dội cột dọc.

Messi đã chơi tốt, áp đặt tầm ảnh hưởng dù bị Casemiro theo như hình với bóng, nhưng để thắng Brazil, hay nhìn rộng hơn là thắng một giải đấu nào đó, Argentina cần nhiều hơn thế. Song 10 năm qua, họ cũng chỉ có Messi.

Đội bóng không hề có phương án B khi Messi bị kèm chặt, thất bại là khó tránh khỏi. Báo giới Tây Ban Nha gọi triệu chứng này là "phụ thuộc Messi". Cả Barca và Argentina đều có chung "căn bệnh". Thực tế là, không đội nào lại không muốn phụ thuộc vào cầu thủ như Messi, song "phụ thuộc" khác với "ỷ lại". Khi Messi tự mình lùi về lấy bóng, đi bóng, kiến tạo, dứt điểm, các cầu thủ còn lại của Argentina đang ở đâu?

Messi

Không có Messi, Argentina cũng chẳng còn ai để trông đợi.

Messi chơi tốt, đồng đội ỷ lại vào anh. Messi chơi tệ, đồng đội cũng... ỷ lại, bởi chắc chắn "số 10" sẽ hứng trọn cơn bão chỉ trích thay cho tập thể. 12 năm sau trận chung kết Copa America gần nhất, Argentina hầu như không còn sản sinh ra cầu thủ nào thực sự ưu tú, ở đẳng cấp Aguero, chứ đừng nói đến Messi.

Andres Iniesta từng nói "khi có bóng mà không biết làm gì, tôi sẽ chuyền cho Messi". Một cầu thủ chuyền cho Messi thì tốt, nhưng cả nền bóng đá Argentina "chuyền" hết áp lực cho cầu thủ con cưng để che giấu đi khoảng trống nhân tài, đó là một điều hổ thẹn.

Tuyển Argentina sẽ không đi đến đâu nếu những người ở xứ Tango vẫn nhảy những vũ điệu trên đôi chân và nỗi đau của người khác, ngay cả khi Copa America sẽ được tổ chức vào... năm sau ở Argentina.

Dường như cả thế giới đều muốn Messi có cái kết trọn vẹn cùng ĐTQG, song có lẽ không phải bằng cách này.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn