Bóng đá và bong bóng nền kinh tế

Thể thaoThứ Tư, 04/04/2012 07:38:00 +07:00

Sự phát triển của bóng đá cũng vẫn là sự phát triển của một khối bong bóng khi nó ảo và không đứng trên 2 chân của mình.

Một thông tin KT-XH khiến nhiều người giật mình: "Riêng trong quý I năm 2012 đã có hơn 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và hơn 9.700 đơn vị đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn và dừng nộp thuế".

Tuy nhiên, trong số gần 12.000 doanh nghiệp này, nhiều đơn vị được cho là đăng ký "ảo", không phát sinh doanh thu và không có nhiều lao động nên sẽ không tác động nhiều đến vấn đề lao động việc làm. Đó cũng chỉ là một nhận định khi không có con số chi tiết là bao nhiêu doanh nghiệp ảo.

Trong bối cảnh chung, nếu coi CLB bóng đá là một doanh nghiệp hay như cụm từ thời trước là "xí nghiệp đá banh" thì nhìn chung vẫn là cực kỳ may mắn.


Ở TP.HCM, đội CLB TP.HCM cách đây không lâu đứng bên bờ vực thẳm và có khả năng giải thể, GĐĐH đội phải cầm xe, nhà để lấy tiền cho đội hoạt động. Rất may là sau đó, VPF giúp đỡ giới thiệu một Mạnh Thường Quân rót một khoản tiền để sống.


Trận chiến bạc tỉ (Ảnh: Quang Minh)

Lại có tin trước trận HN.T&T và Sài Gòn FC, bầu Thụy tuyên bố chi đậm, nghe đâu khoảng 2 tỷ thưởng nếu thắng đội bóng của bầu Hiển. Kết quả ngược lại và người ta thấy một hình ảnh có vẻ đi ngược với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là bầu Hiển cầm một xấp đô-la lì xì cho con các cầu thủ ngay tại sân bóng. Bố đá con có đô-la, cũng là hiếm.



Nếu coi CLB là một doanh nghiệp thì nhiều CLB đáng bị giải thể.


Chẳng hạn, đội V.Hải Phòng hiện đang đứng cuối bảng được chính TCT xi măng đầu tư trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng thì  các doanh nghiệp xi măng cũng đang… mắc kẹt. Hàng ngàn công nhân có thể bị giảm lương hay cho nghỉ việc nhưng đội bóng thì vẫn phải hoạt động thậm chí chấp nhận trả lương cao cho HLV, tìm cầu thủ ngoại giá đắt.


May cho V.Hải Phòng là họ còn nhiều CĐV. Con số 12.000 khán giả đến Lạch Tray vòng trước cho thấy ít nhất V.Hải Phòng còn có lượng NHM đông vào loại nhất nhì nước.


Kỳ lạ là ở chỗ khi V.Hải Phòng mất gần hết "chất" Hải Phòng, có thời điểm trong trận đấu với CLB BĐ Hà Nội chỉ có đúng 1 cầu thủ gốc Hải Phòng thi đấu trên sân. HLV Lê Thụy Hải thì là người Hà Đông, Hà Nội. Dường như người hâm mộ Hải Phòng còn thấy "cái chất" của mình ở sân Lạch Tray nhưng đáng tiếc cũng là điều tủi hổ khi mặt sân xấu tới mức chỉ đáng tổ chức… chọi trâu chứ không phải để cho các đôi chân tiền tỷ thi đấu.


V.Hải Phòng rồi sẽ đi về đâu (Ảnh: Quang Minh)

Lúc khó thì trâu và người hoàn toàn có thể đứng ngang hàng.


Một CLB bóng đá về giá trị KT-XH cũng chưa chắc đã bằng phần đông trong số 12.000 doanh nghiệp đã giải thể hay xin ngừng hoạt động.


Bóng đá vẫn còn "thở" được là vì vẫn còn những ông bầu sẵn sàng chi 1-2 tỷ cho một chiến thắng hay rút đô-la phát như bươm bướm để chứng tỏ sự phấn khích và hào hiệp.


Nhưng coi chừng, sự phát triển của bóng đá cũng vẫn là sự phát triển của một khối bong bóng khi nó ảo và không đứng trên 2 chân của mình.

Thái Hoàng (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn