‘Bộ trưởng Thiện sẽ tập hợp được người có tâm, có tầm cho bóng đá Việt Nam’

Thể thaoThứ Năm, 02/08/2018 07:28:00 +07:00

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu bày tỏ niềm tin vào Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện – người nhiều khả năng sẽ tham gia ứng cử Chủ tịch VFF khóa VIII.

- Trước thềm Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII, có người nói vui là chúng ta đang “loạn 12 sứ quân”. Ông có thấy thế không?

Nhà báo Nguyễn Lưu: Nhìn lại thời gian qua, đúng là có nhiều chuyện xảy ra ở VFF. Chủ tịch thì gặp vấn đề sức khỏe, không thể tiếp tục điều hành. Trước đại hội thì bộc lộ những chuyện rất xấu, chuyện kích bác lẫn nhau. Thực ra, cái kiểu nói xấu sau lưng không phải chỉ chúng ta có đâu. Chúng ta đừng tự ti rằng, chỉ ở ta mới có chuyện nói xấu. Thế giới đến Tổng thống còn bị nói xấu cơ mà.

VFF

Đại hội VFF khóa VIII sẽ diễn ra trong 1 tháng tới.

Trong bối cảnh cứ tạm gọi là “loạn 12 sứ quân” ấy, lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam khá lúng túng. Nhưng đồng thời vẫn phải cùng lúc lo nhiều việc để bóng đá nước nhà tiếp tục tiến lên, trong đó nổi bật là bóng đá trẻ với vé dự U20 World Cup, hay gần nhất là thành công của U23 tại giải châu lục. Chính điều này làm cho mọi thứ phân tán đi, không thể tập trung vào một mối lo đại hội, khiến nó bị kéo dài.

Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn một cách thảm họa vào bóng đá Việt Nam. Có nhiều chuyện đúng là buồn nhưng đó chưa phải làm thảm họa. Vẫn có những tia sáng cuối đường hầm.

Xã hội vẫn đang quan tâm, chứ không phải mặc kệ. Người ta xem World Cup như thế nhưng vẫn quay lại bóng đá Việt Nam.

- “Ánh sáng cuối đường hầm” ông vừa nhắc ở trên là gì?

Là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Người đứng đầu Chính phủ muốn làm tốt bóng đá Việt Nam.

Bây giờ đến lượt Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện được giới thiệu ứng cử Chủ tịch VFF, tôi cho là điều rất tốt và tôi rất ủng hộ.

bo truong nguyen ngoc thien (2)

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được giới thiệu ứng cử Chủ tịch VFF khóa VIII.

Tôi nhớ trong cuộc hội thảo phát triển bóng đá Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hồi đầu năm, tôi có phát biểu phải xóa ngay tư tưởng cứ phải là cầu thủ, cựu danh thủ, hiểu thật rõ quả bóng mới làm lãnh đạo VFF. Người làm bóng đá giỏi khác với người đá bóng giỏi. Nhiều Chủ tịch các Liên đoàn đâu phải là cầu thủ giỏi. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng làm Chủ tịch Liên đoàn cầu lông có sao đâu.

Qua tiếp xúc, tôi thấy Bộ trưởng Thiện là một người am hiểu thể thao, hiểu bóng đá. Một vấn đề nữa, Bộ trưởng Thiện không làm việc một mình mà còn cả một bộ máy. Tôi ví như anh Trần Quốc Tuấn là người làm được việc.

Trước đây khi chưa có Bộ trưởng Thiện thì 22 CLB giới thiệu anh Trần Quốc Tuấn. Nhưng cũng trong cuộc hội thảo nói trên, tôi thẳng thắn phát biểu không nên để anh Tuấn làm Chủ tịch. Bây giờ Bộ trưởng Thiện mà trở thành Chủ tịch, anh Tuấn làm Phó Chủ tịch về chuyên môn thì quá tốt.

- Có nhiều ý kiến lo ngại Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đương chức, không đủ thời gian lo cho bóng đá. Ông có lo không?

Khi mà chúng ta chưa có người chuyên trách 100% lo về bóng đá thì một người có tâm huyết và được ủng hộ bởi các thành viên phía dưới sẽ là sức mạnh. Đó là sức mạnh tập thể. Tính tập thể là rất quan trọng, nhất là ở VFF lúc này. Nó là chỗ dựa vững chắc để bóng đá Việt Nam có thể phát triển.

Tôi tin Bộ trưởng Thiện sẽ tập hợp được những bộ óc, những người có tâm và có tầm để hỗ trợ cho mình nếu ông là Chủ tịch VFF.

Screen Shot 2018-08-02 at 7.32.42 AM

 

- Cũng có những ý kiến cho rằng, chúng ta đang nỗ lực xã hội hóa thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Việc một tổ chức xã hội như VFF tiếp tục được điều hành bởi một người nhà nước sẽ khiến việc xã hội hóa bị ảnh hưởng?

VFF đã qua 7 nhiệm kỳ rồi, niềm vui cũng có mà sóng gió cũng nhiều. Điều này do nhiều yếu tố. Như cơ chế của chúng ta nhiều chỗ chưa thực sự rạch ròi. Chúng ta muốn đốt cháy giai đoạn. Một số người hâm mộ thì đòi phải thế này, thế kia ngay nhưng không được.

Chúng ta cứ nói xã hội hóa nhưng xã hội hóa cũng chưa đến đâu cả. Rất nhiều người có dám làm đâu. Kinh nghiệm cho thấy có những người sang VFF làm, nhưng chẳng được bao nhiêu? Và cho đến nay về cơ bản, các tổ chức xã hội, cụ thể các liên đoàn vẫn sống bằng kinh phí không nhỏ của nhà nước.

Tóm lại, bóng đá Việt Nam sẽ phải tiến đến bằng anh, bằng em nhưng cách tiến của chúng ta là tiệm tiến chứ không phải đột biến, bởi chúng ta chưa đủ sức làm việc ấy. Bầu sữa của nhà nước vẫn đang góp cho nhiều tổ chức xã hội trong đó có bóng đá.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn