Bạo lực là nỗi nhục bóng đá Việt

Thể thaoThứ Sáu, 28/02/2014 05:54:00 +07:00

(VTC News) – Bạo lực sân cỏ Việt Nam lên đến đỉnh điểm khiến người trong cuộc phải thốt lên “Bóng đá Việt quá dã man”.

Liên tiếp 3 vòng đấu, 3 cầu thủ phải nhập viện cấp cứu với những chấn thương rợn người. Ấy thế mà những người điều hành giải đấu, quản lý bóng đá nước nhà vẫn bình thản, thậm chí cho rằng, báo chí đang cường điệu hóa vấn đề bạo lực.
VTC News có cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Văn Vinh về vấn đề này:

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh (Ảnh: Quang Minh)

PV- Ông có theo dõi V-League những vòng đấu vừa qua?
Nguyễn Văn Vinh: Thú thực tôi không xem một trận nào kể từ đầu mùa. Nhưng không có nghĩa là tôi không biết V-League tồn tại những vấn đề gì. Riêng bạo lực, càng không phải vấn đề mới. Nó quá cũ và đã tồn tại xuyên xuốt từ mùa này sang mùa khác mà nguyên nhân không thể chỉ là cầu thủ.
Lý thuyết thì nguyên nhân bạo lực có thể kể ra: do cách thức tổ chức, rồi nguyên nhân chủ quan, khách quan, vấn đề trọng tài, ban kỷ luật… v.v. Cụ thể hơn thì tôi cho rằng, mọi thứ phải có xuất phát điểm dù là vấn đề tích cực hay tiêu cực. Ở đây, điểm khởi đầu của việc chống bạo lực sân cỏ đã được giải quyết ra sao? Đã đủ độ răn đe, làm gương chưa?
Rõ ràng là chưa! Và càng lạ ở chỗ, đến giờ người ta vẫn không chịu làm, thế nên việc bạo lực trên sân bóng Việt Nam đã trở thành bình thường.
Mới đây, tôi rất tâm đắc với phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức. Đại để Huỳnh Đức xin phép cho SHB Đà Nẵng thua ngay từ đầu, chứ đá bóng với Hải Phòng mà bạo lực thế chỉ làm thiệt quân.
Với tôi, phát biểu này của Huỳnh Đức như một cái tát vào những người điều hành giải.
PV- HLV Lê Huỳnh Đức cũng nói, ở SBH Đà Nẵng nếu cầu thủ đá láo, đá bạo lực ông sẽ kiểm điểm liền. SHB Đà Nẵng không có chủ trương thắng bằng mọi giá. Phải chăng bạo lực sân cỏ Việt Nam cỏ cả tính chủ trương?
Nguyễn Văn Vinh: Cá nhân tôi đã nói rất nhiều với những người làm quản lý, điều hành giải đấu. Nhưng xin lỗi, nói như “nước đổ đầu vịt”, chẳng ai chịu nghe.
Tôi vẫn khẳng định, không thể đổ hết lỗi cho cầu thủ. Và đúng như Huỳnh Đức nói là cần phải xem lại cách giáo dục cầu thủ ở mỗi CLB. Ai cũng hô hào tôi không chủ trương đá bạo lực, nhưng khi cầu thủ “trót” đá rồi thì có ai dám kỷ luật nội bộ đâu! Phần lớn bỏ qua hoặc nếu có thì chưa đủ sức nặng.
PV - Ở trên ông có nói, ông không còn xem V-League nữa. Tôi hiểu sự tức mắt, thậm chí là ức chế của một chuyên gia bóng đá như ông khi phải theo dõi những trận đấu khét lẹt mùi va chạm. Song bạo lực sân cỏ Việt giờ không còn là chuyện của thể thao, của bóng đá, nó là vấn đề xã hội rồi. Ông có nghĩ thế không?
Nguyễn Văn Vinh: Tôi đồng ý, tôi không còn đến sân hay xem bóng đá Việt Nam qua tivi nhưng vẫn theo dõi thông tin hàng ngày trên báo. Nghĩa là phần nào tôi đã quan tâm tới bóng đá Việt Nam theo kiểu xã hội. Và chắc chắn đến thời điểm này bạo lực sân cỏ Việt Nam không còn là vấn đề của riêng thể thao. Nó đang được cả xã hội quan tâm đấy. Có điều, xã hội thấy nó không còn lạ nữa, nó đã thành dĩ nhiên.
PV- Có phải vì đã “dĩ nhiên” nên những người có trách nhiệm đã chấp nhận sống chung với lũ, thậm chí khi ở đỉnh lũ (bạo lực liên tục diễn ra với mức độ nghiệm trọng) người ta vẫn thản nhiên cho rằng: “báo chí cường điệu hóa”?
Nguyễn Văn Vinh: Xin lỗi, bạo lực đang là nỗi ô nhục của bóng đá Việt. Đạo đức cầu thủ xuống cấp cũng chỉ vì cái thói bao che, xem nhẹ vấn đề rồi không thể đưa ra một hình phạt đích đáng.

Bạo lực sân cỏ Việt không còn là vấn đề của Thể thao, nó đã mang tính xã hội. Trong ảnh, cầu thủ Danny David (ĐTLA) bị chấn thương sau cú đạp thẳng vào ngực của Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) (Ảnh: VSI)

PV- Ông là một thành viên nhiệt nhất Ban tư vấn Đạo đức. Và Ban này từng đấu tranh rất quyết liệt với vấn nạn thi đấu tiêu cực của bóng đá Việt. Vậy sao, trước vấn nạn bạo lực, Ban tư vấn lại im hơi lặng tiếng?
Nguyễn Văn Vinh:(Có lẽ vì chưa có văn bản thông báo chính thức nên anh vẫn nghĩ rằng, Ban tư vấn Đạo đức còn tồn tại hoặc anh biết rồi nhưng vẫn hỏi – nói thẳng với PV).
Chúng tôi đã phát biểu, quyết liệt là đằng khác. Cá nhân tôi từng đề nghị thẳng thắn trưởng BTC giải V-League 2013 nên từ chức. Nhưng kết quả Ban tư vấn Đạo đức bị phê phán thiếu tích cực, thiếu khách quan và thậm chí có người nói không cần thiết sự tồn tại của Ban.
Ban tư vấn Đạo đức ra đời theo đề nghị của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng nhưng cuối cùng chúng tôi phải dừng lại vì BTC giải nói một đằng, làm một nẻo.
Sau nỗ lực lên tiếng và loại bỏ một đội bóng làm khổ BTC giải, dư luận rất ủng hộ chúng tôi. Mới đây, chúng tôi nhận được nhiều thư phản ảnh và hỏi tại sao không làm mạnh với vấn đề bạo lực. Câu trả lời đến giờ mọi người đã rõ.
PV- Cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn trên!
Bình luận
vtcnews.vn