Phóng sự

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?

Thứ Tư, 24/05/2023 10:15:00 +07:00

(VTC News) - Là hai thành viên còn lại của gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa, Thanh và Toàn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới.

Phóng viên VTC News quay trở lại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vào những ngày cuối tháng 4/2023 để tìm hiểu về cuộc sống của gia đình được bà con địa phương gọi là “âm binh”.

Sau cuộc trò chuyện tại trụ sở UBND thị trấn Vân Du, chúng tôi được anh Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn - dẫn đi thăm khu vườn của gia đình bà Thành, nơi từng được xem là “bất khả xâm phạm”.

Theo sau anh Dũng, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhớ lại những lần chạm mặt cách đây gần 6 năm.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 1

 

Những ngày giữa tháng 7/2017. Với mong muốn được vào tận nhà xem cuộc sống của gia đình bà Thành ra sao, bà Nguyễn Thị Dung - Bí thư chi bộ Trạm bảo vệ rừng Thành Vân - nhận lời đưa chúng tôi đi. Trước khi quyết định bước chân vào “khu vườn kỳ bí”, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều cảnh báo từ những người dân trong vùng.

Có người bảo, bà Thành đã cho xây dựng hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt bao quanh vườn. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình bà Thành thường xuyên ẩn náu trong các lùm cây nghe ngóng. Nếu có ai đột nhập vào khu vườn, họ lập tức xuất hiện với dao, gậy trên tay…

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 2

 

Bởi sự nguy hiểm luôn rình rập nên khi biết chúng tôi vào nhà bà Thành, bà Bùi Thị Mười - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành thời kỳ đó - 3 lần gọi điện cho phóng viên để dặn dò: “Các anh chị phải hết sức cẩn thận, phải thấy thật an toàn rồi mới được vào. Nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng tuyệt đối không được vào trong đó”.

Lo sợ bất trắc có thể xảy ra, bà Mười chỉ đạo công an xã Thành Vân và đích thân Chủ tịch UBND xã - anh Lê Văn Dũng - hỗ trợ phóng viên. Ngoài ra, một số cán bộ trạm quản lý và bảo vệ rừng Thành Vân cũng được điều động đi cùng để yểm trợ khi có chuyện bất thường xảy ra.

Cuối chiều, trời âm u, khu vườn của bà Thành càng thêm phần lạnh lẽo. Trước khi quyết định đặt chân vào vườn từ ruộng mía bên cạnh, cả đoàn đã cố tình nói chuyện huyên náo để các thành viên trong nhà bà Thành nghe tiếng. Không những thế bà Dung còn cất tiếng gọi. Bà gọi hết tên các thành viên trong nhà, nhưng đáp lại chỉ là tiếng lá cây xào xạc.

Không thấy ai trả lời, nhưng bà Dung vẫn quyết định dẫn chúng tôi vào khu vườn bằng lối ngõ chính. Lối này tuy xa nhưng ít cây cối hơn. “Chị Thành ơi, em Dung, em vào thăm chị đây”, vừa đi bà Dung vừa lớn tiếng gọi như muốn để các thành viên trong nhà bà Thành biết là người quen đến.

Càng vào sâu trong ngõ cảnh vật càng thêm phần u tịch. Muỗi như vãi trấu, bay tản ra, o o bên tai. Bất cứ tiếng động nào ở những khóm cây, bụi cỏ gần đó cũng khiến chúng tôi giật mình thon thót. Khi đoàn đến gần túp lều nhỏ xíu đầu tiên trong tổng cộng 8 túp lều, đang mải ngó nghiêng thì bỗng tiếng thét “Dừng lại!” làm cả đoàn giật nảy.

Ngay sau đó, một bóng người từ trong lùm cây lúp xúp thình lình bước ra, chặn ngang lối đi. Nhìn cách ăn mặc kỳ lạ của người ấy, kẻ yếu tim có lẽ sẽ chết ngất.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 3

Mai Thị Thanh, con gái đầu của bà Thành.

Người ấy đội chiếc nón tự làm bằng bạt, che gần kín mặt, nghe giọng ồm ồm, chúng tôi không thể nhận biết là nữ hay nam. Tuy nhiên, sững lại một hồi, bà Dung nhận ra đó là Mai Thị Thanh, con gái đầu của bà Thành.

Khác với những gì hình dung, ngoài bộ dạng rách rưới và chiếc nón lụp xụp, cùng màu da xám xịt do sống trong bóng tối nhiều năm, Thanh ăn nói có đầu có cuối. Thanh xưng cháu, gọi bà Dung bằng dì rất lễ phép. Tuy nhiên, khi bà Dung định bước thêm thì Thanh nghiêm giọng: “Chưa có lệnh, không ai được vào!”.

Dù bà Dung ra sức thuyết phục nhưng Thanh cương quyết không cho ai bước qua dây sắt chặn ngang lối vào khu vườn. Khi trong đoàn có người định rướn vào thì Thanh giơ cây gậy trên tay ra chặn lại hệt như người lính gác ngày xưa canh chừng cửa quan.

Mẹ cháu đâu rồi, dì muốn gặp mẹ cháu, lâu lắm rồi dì chưa thấy mặt, cho dì vào nhé, chỉ một mình dì thôi!”, bà Dung khẩn thiết. Tuy nhiên, trước sự van nài của bà Dung, mặt Thanh vẫn chẳng hề biến sắc. “Không, chưa có lệnh thì không ai được vào, kể cả dì. Ở đâu cũng phải có phép tắc, dì không vào được đâu!”, Thanh nói chắc nịch.

Thuyết phục Thanh không thành, không còn cách nào khác chúng tôi đành rút lui. Bà Dung bảo, thường thì Thanh chặn ở “trạm gác” đầu tiên. Ai cố tình vượt qua “barie” này, chỉ cần đi chừng chục mét nữa thì Toàn sẽ thình lình xuất hiện. Toàn khỏe và cục tính. Đối mặt với anh này thì chắc chắn có chuyện không hay.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 4

 

Không vào được tận trong nhà bà Thành, chúng tôi quay trở về nhà bà Dung mang theo câu hỏi liệu bà Thành còn sống hay đã chết? Cô gái tên Thanh liệu có nói chính xác về sức khỏe của các thành viên trong gia đình?

Trò chuyện với chúng tôi, cán bộ xã Thành Vân, cán bộ trạm bảo vệ rừng Thạch Thành đều kể những câu chuyện kỳ quái liên quan tới các thành viên trong gia đình bà Thành. Theo họ thì nhiều năm nay, hễ nghe những tin đồn về việc sống chết của người này người kia trong gia đình bà Thành thì ngay lập tức họ đến để tìm hiểu thực hư.

Tuy nhiên, cũng như chúng tôi, họ chỉ được “đứng ở vòng ngoài”. Thấy có người tới thì từ trong vườn đã có người đưa ra lời cảnh báo rùng rợn nên chẳng ai dám bước thêm.

Đang mải trò chuyện thì vừa lúc ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, chồng của bà Dung - từ cơ quan về. Thông cảm với sự sốt sắng của chúng tôi, ông Hồ bảo, ông sẽ cùng phóng viên quay lại nhà bà Thành một lần nữa.

Ngồi phía sau xe máy, ông Hồ tâm sự: “Trước đây, chúng tôi có lừa bà ấy đi bệnh viện tâm thần nhưng bà ấy không chịu và đòi về. Có mua thuốc về bà ấy cũng không uống và cất đi. Đến khi chết mất một đứa con mà vẫn không chịu tỉnh táo ra”.

Đến ngõ, ông Hồ không xuống mà lao thẳng xe vào cổng nhà bà Thành. Lúc này, thấy có người quay lại, chị Thanh lại chạy ra ngăn cản. Khi gặp vợ chồng ông Hồ - bà Dung, chị Thanh có chút e ngại. Dù rất khó chịu nhưng chị Thanh vẫn không dám manh động với ông Hồ.

Sau khi ngăn cản không được, chị Thanh chạy vào gọi cậu em ra ứng cứu. Lúc này, tạnh hẳn cơn mưa, trời sáng hơn tôi mới nhìn rõ khuôn mặt của họ. Hai người ăn mặc giống hệt như nhau - bộ quần áo bay rách rưới vá tứ tung. Trên đầu, mỗi người đội một chiếc mũ áo mưa được đan thủ công. Nhìn họ rất giống với lính lệ thời kỳ phong kiến.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 5

 

Ông Hồ nói: “Sao cháu lại ăn mặc như thế này? Giống với âm binh vậy? Cháu là học sinh giỏi mà không biết khuyên răn cha mẹ làm việc đúng. Cháu xem bây giờ có ai sống như vậy không?”.

Học giỏi là chuyện của ngày xưa rồi. Bây giờ cháu đã khác. Chuyện cũ cho qua đi. Chú giờ cũng thay đổi rồi. Chú từ bảo vệ mà lên làm sếp đấy thôi. Người giàu là thay đổi rồi, cần gì quan tâm đến nhà cháu nữa”, lời lẽ của chị Thanh rất đanh thép khi trả lời ông Hồ.

Khuyên ông Hồ không được, lúc này hai chị em Thanh áp sát lôi ông Hồ ra ngoài. Họ cầm theo hai cây gậy nên chúng tôi chưa dám đến gần. Chỉ đến khi ông Hồ lọt được vào bên trong sân, đứng sát vách nhà chúng tôi mới dám lên tiếng.

Khi biết chúng tôi là nhà báo, cậu con trai út nhà bà Thanh quát: “Báo chí thì đến nơi nghèo hèn này làm chi. Chớ có quay linh tinh kẻo thần linh ở đây lại nổi giận. Có ăn có học thì nghe lời tôi ra khỏi đây đi”.

Trong lúc ông Hồ tìm cách đánh lạc hướng 2 đứa con của bà Thành, chúng tôi tranh thủ quan sát kiến trúc kì lạ của ngôi nhà. Giữa đồi cây um tùm, ngoài ngôi nhà lợp mái tôn mà cả gia đình bà Thành đang ở họ còn dựng những túp lều xung quanh.

Những túp lều này thấp đến mức đứa trẻ con cũng không thể chui vào đó được. Bên trong mỗi túp lều được chăng mắc các loại dây thép. Điều đặc biệt là một chiếc gậy có hai chiếc răng được đặt ở giữa.

Tôi không hiểu với họ những vật này có ý nghĩa như thế nào, nhưng kể cả chiếc gậy trên tay họ cũng có hình thù tương tự như thế. Ở đây, nếu bước không cẩn thận sẽ bị vấp ngã bởi hệ thống sắt 6 vây kín.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 6

 

Ngoài ớt, gia đình bà Thành có trồng thêm sắn và giàn mướp. Tôi cũng quan sát thấy có vài con gà đang chạy trong vườn. Có lẽ, đây chính là thực phẩm phục vụ cho cuộc sống của họ. Nhưng giàn mướp ở đây cũng rất lạ. Tất cả những que làm giàn đều bị cắm ngược. Tức là, phần gốc lên trên và phần ngọn cắm xuống đất.

Tôi có hỏi cậu con trai tên Nguyễn Văn Toản xem tại sao lại làm những chuyện lạ như vậy. Ban đầu cậu ta im lặng nhưng một lát sau cũng lí nhí trả lời: “Có nguyên nhân mới làm như vậy. Giải thích chị cũng không hiểu”.

Tôi lại tiếp tục hỏi: “Thế mộ anh Tâm ở đâu?”. Lúc này, vẻ mặt Toàn trầm xuống, im lặng và tiếp tục lầm lì không nói.

Tôi đứng ngay cạnh một cái cột khá lớn, được dựng bằng hàng trăm cái lưỡi cày. Thậm chí, chiếc cột còn được dựng cao hơn những cây xoan cổ thụ trong vườn.

Đấy, ngày xưa chú sang cây xoan bé tí tẹo, giờ cây đã lớn như thế này rồi. Vậy mà mẹ con các cháu vẫn u mê như vậy, không chịu tỉnh táo ra. Hai đứa nghe lời thì cho chú vào gặp khuyên răn mẹ. Các cháu không muốn lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường à? Phải để hai đứa sống khác đi chứ không khốn khổ như thế này được”.

Nghe thấy giọng ông Hồ hùng hồn ngoài sân, lúc này bà Thành trong nhà mới chịu lên tiếng: “Chú Hồ về đi. Việc nhà tôi chú không thể biết được. Chú đừng để tôi tức giận mất hay. Chú đưa người của chú ra khỏi nhà tôi đi. Việc nhà tôi, chúng tôi tự lo liệu được”.

Ông Hồ phải khích mãi thì bà Thành mới chịu lên tiếng. Bà Thành lên tiếng thì ông cũng mới biết được bà còn sống hay đã chết. Mười mấy năm nay không ai nhìn thấy, nghe thấy tiếng của bà Thành nên ông lo sợ không biết bà sống chết thế nào. Sợ như cháu Tâm, chết rồi mà người nhà và hàng xóm không ai hay biết.

Ông Hồ quay sang hỏi chị Thanh: “Thế bố đi đâu rồi? Để chú vào nói chuyện với bố nhé!”. Chờ mãi vẫn không thấy ông Thái lên tiếng, chị Thanh trả lời: “Bố cháu không có nhà, bố đi vắng rồi. Ông đi về quê lấy lương”.

Lúc này, người phụ nữ phía bên trong ngôi nhà tiếp tục nói vọng ra giọng gay gắt: “Đi ra khỏi nhà tôi ngay. Đừng để tôi phải nổi giận”.

Ông Hồ mềm mỏng hơn: “Tôi lo cho mẹ con chị nên sang hỏi thăm thôi. Biết chị còn khỏe mạnh là tôi vui rồi. Chị hứa năm 2010 sẽ gặp vợ chồng tôi mà sao đến bây giờ vẫn chưa chịu gặp. Hôm nay tôi về, hôm khác tôi lại sang”.

Trước khi ra về, tôi chìa tay ra bắt tay hai chị em Thanh, Toàn nhưng họ vội vàng rụt tay lại. “Bắt tay làm chi. Người nghèo hèn không bắt tay với người giàu. Tay chúng tôi bẩn lại hỏng tay cô. Thôi cô về đi, đừng quay lại đây nữa”, Thanh nói vẻ giận dỗi nhưng giọng vẫn đúng chất của một sinh giỏi Văn ngày ấy, ông Hồ nhận định như vậy.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 7

 

Hai người con của bà Nguyễn Thị Thành chia sẻ về cuộc sống hiện tại.

Dòng hồi ức về những lần chạm mặt 6 năm về trước của tôi kết thúc khi bên tai có tiếng gọi lớn của anh Lê Văn Dũng: “Toàn ơi, Thanh ơi, có nhà không?”.

Anh Dũng à? Hôm nay anh đến có việc chi đó? Anh dẫn theo ai đi cùng thế?”. Hàng loạt câu hỏi từ người đàn ông gần 40 tuổi ngay khi chúng tôi vừa bước vào khu vườn, cùng với ánh mắt dò xét, đề phòng khiến không khí trở nên căng thẳng. Đó là Mai Văn Toàn - người con thứ 3 của ông Thái, bà Thành.

Có 2 chú này muốn đến hỏi xem tình hình ăn ở của chị em thế nào”. Anh Dũng vừa dứt lời thì thêm một người phụ nữ xuất hiện trước mắt chúng tôi - đó là Mai Thị Thanh (chị gái anh Toàn).

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 8

 

Cách ăn mặc của hai chị em Mai Thị Thanh và Mai Văn Toàn vẫn kỳ dị như cách đây 6 năm. Vẫn chiếc áo bay dài tay màu vàng cốm rộng thùng thình, giữa cái nắng hơn 30 độ C nhưng họ vẫn trùm kín đầu bằng chiếc mũ tự đan từ dây cước, bên ngoài đội nón.

Trong người họ có vẻ vẫn đeo nhiều dây dợ và cả sắt. Khác biệt lớn nhất của hai chị em là nước da xám xịt trước kia đã thay bằng vẻ hồng hào, trông họ trẻ hơn tuổi.

Chúng tôi bày tỏ ý muốn được vào sâu trong vườn. Tưởng rằng, lời đề nghị sẽ bị cự tuyệt quyết liệt như lần gặp cách đây 6 năm, tuy nhiên chúng tôi lại nhận được sự đồng ý khá nhanh chóng của chị em Thanh và Toàn.

Sau 6 năm, vườn cây rậm rạp xen lẫn hàng chục căn lều lá thấp lè tè được thay bằng những luống lạc, ruộng ngô xanh biếc. Chính giữa khu đất là căn nhà tôn xanh. Ngoài ra còn có 3 ngôi nhà tranh, theo lời anh Toàn là bếp và chỗ nuôi gà.

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống hiện tại của hai chị em, anh Toàn cởi mở, ngoài trồng trọt, nuôi hơn chục con gà tại khu vườn, anh cũng đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Một số hàng xóm thuê anh đi thu hoạch cây keo trên rừng với tiền công 300 nghìn đồng/ngày.

Thế hệ thứ hai gia đình 'âm binh' ở Thanh Hóa thay đổi ra sao?  - 9

 

Cây trái thu hoạch sẽ mang ra chợ hoặc đến đại lý cho người ta thu mua. Ngày xưa bố mẹ có lương, nhưng giờ chết rồi thì mình phải đi làm. Trước đây, cả nhà 4 người tiền ăn 20 nghìn đồng/ngày, chủ yếu ăn cơm với mắm muối. Giờ đi chợ, có thịt, có cá ăn. Cuộc sống không khá giả nhưng khỏe mạnh là được”, anh Toàn nói.

Hình ảnh anh Toàn đưa tay chỉ từng luống ngô, ruộng lạc, đàn gà như khoe thành quả của hai chị em sau những ngày tháng lao động miệt mài khiến chúng tôi khá bất ngờ. Có lẽ nếu không còn cách ăn mặc kỳ dị thì khó có thể nhận ra hai lính canh của vùng đất cấm năm xưa.

Khi được hỏi có ý định lấy vợ không, anh Toàn cười lớn: “Nói thật với chú, người ta thấy mình nghèo nên chạy mất dép”.

Đón đọc phần 3: 'Kho báu' của gia đình 'âm binh'

Tiếp cận khu vườn của gia đình "âm binh", bên cạnh việc tìm hiểu cuộc sống hiện tại của chị em Mai Thị Thanh và Mai Văn Toàn, phóng viên muốn tận thấy "kho báu" được cất giấu trong khu vườn. 

Anh Văn - Đắc Huy(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn