Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ: Không có đột biến về cơ cấu, chỉ đột biến về tốc độ

Thế giớiThứ Năm, 30/05/2019 12:00:00 +07:00

Chuyên gia cho rằng cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không đổi, chỉ biến động về tốc độ, các doanh nghiệp FDI phản ứng nhanh hơn trước biến động thị trường

Theo thống kê, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 17,87 tỷ USD, tương ứng tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước (13,82 tỷ USD).

Theo đó, các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện (tăng 94,4%), máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 64,1%), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (tăng 54,7%), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 24,2%). Đây đều là các nhóm hàng thế mạnh của các doạnh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam lại không có thay đổi nhiều, thậm chí còn giảm. Ví dụ như hàng dệt may tăng 9,1%, hàng thủy sản tăng 1,9%, nhóm hàng nông sản giảm 19,8%, sắt thép các loại giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mặt hàng tăng mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện lại chiếm đến 18,6% cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

1

 10 nhóm xuất khẩu hàng hóa đạt mức tăng lớn nhất về giá trị trong 4 tháng năm 2019. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, rõ ràng Việt Nam và một số nước khác đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ thay đổi chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu trên có thể thấy, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có phản ứng nhanh hơn trước những biến động của thị trường, so với các doanh nghiệp trong nước.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không thay đổi mà chỉ có sự biến động về tốc độ, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vốn đã chú trọng vào xuất khẩu, trước tình hình thị trường thay đổi, đã nhanh chóng thích nghi để đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam.

Giải thích cho hiện tượng trên, chuyên gia tin rằng sự thích nghi nhanh đó hoàn toàn do chính sách xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Ts thang 4

 

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có phản ứng nhanh hơn trước những biến động của thị trường, so với các doanh nghiệp trong nước.

TS. Trần Toàn Thắng

Ông Thắng lấy ví dụ là các doanh nghiệp vừa sản xuất tại Trung Quốc, vừa sản xuất tại Việt Nam, khi gặp những khó khăn tại Trung Quốc (hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế cao hơn), các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể chủ động tăng sản lượng tại Việt Nam, cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc để đảm bảo lợi nhuận.

Khả năng thích ứng của các công ty đa quốc gia như vậy rõ ràng là tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi một doanh nghiệp trong nước nếu muốn tăng xuất khẩu thì chỉ có hai cách: Một là đàm phán để tăng dung lượng đơn hàng; Hai là phải tìm kiếm thêm các mối hàng khác. Đó không phải là những việc muốn là thực hiện ngay được.

Không những thế, nhóm mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may lại chịu sự kiểm soát khá chặt chẽ của các nước như Mỹ cả về chất lượng cũng như giá sản phẩm.

Theo dự báo của chuyên gia, nếu như từ giờ đến cuối năm Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại nào, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nhiều khả năng vẫn được duy trì ở mức độ hiện nay.

Tuy nhiên, để bắt kịp với các doanh nghiệp FDI trong việc tận dụng “lỗ hổng” mà hàng hóa Trung Quốc để lại tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều.

Nhắc đến tuyên bố đầu tháng này của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc các nhà sản xuất có thể chọn Việt Nam là điểm đến sau khi rời Trung Quốc, TS. Thắng cho rằng đây chỉ là một tuyên bố chính trị đơn thuần, còn việc bản thân các doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu thị trường Việt Nam lại là chuyện khác.

Hiện tại đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa nhiều, do các doạnh nghiệp Mỹ không mạnh về các mặt hàng chế tác, lắp ráp với chi phí đầu tư rẻ mà Việt Nam có thể hỗ trợ.

Ông Thắng kết luận, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung rõ ràng là cơ hội cho Việt Nam cũng như các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thay thế hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, muốn nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt nam cần phải nỗ lực, chủ động hơn nữa trong việc nâng cấp sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng mới.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn