Trung Quốc phát triển tên lửa không đối không tầm siêu xa

Thế giớiThứ Tư, 30/11/2016 18:58:00 +07:00

Trung Quốc đang phát triển tên lửa không đối không tầm siêu xa có thể đe dọa các máy bay tiếp dầu và chỉ huy trên không hùng hậu của Mỹ, National Interest đưa tin.

Theo National Interest, trong tháng 11, tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã bắn thử thành công một tên lửa có kích thước khổng lồ, nó được ví von là “quái vật” không đối không. Tên lửa được cho là đã phá hủy thành công mục tiêu ở cự ly hàng trăm km.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại tên lửa không đối không nhằm cung cấp vũ khí cho các dự án chiến đấu cơ của nước này. Tuy nhiên, việc thử nghiệm tên lửa không đối không tầm siêu xa, còn gọi là (VLRAAM) là khá bất ngờ.

Giới quan sát quân sự nước ngoài hầu như không biết gì về chương trình VLRAAM của Trung Quốc. Do đó, việc xác định thông số kỹ thuật của tên lửa tương đối khó khăn. Căn cứ vào hình ảnh tên lửa gắn trên cánh, các nhà phân tích quân sự ước tính tên lửa chiếm khoảng 28% chiều dài tiêm kích J-16. Tiêm kích này có chiều dài khoảng 22 m, như vậy tên lửa có thể dài khoảng 5,7 m, đường kính khoảng 0,33 m.

Trung Quoc phat trien ten lua 'quai vat' doi pho My hinh anh 1

Tên lửa không đối không khổng lồ của Trung Quốc gắn trên cánh tiêm kích J-16

Với kích thước ước tính như vậy, nó có thể là tên lửa không đối không lớn nhất thế giới. Trong khi đó, phiên bản hiện đại nhất của tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM của Mỹ có chiều dài 3,6 m, đường kính 12,7 cm, tầm bắn tối đa 150 km.

Davi Axe, biên tập viên trang tin quân sự Warisboring nhận định, tên lửa mới của Trung Quốc tương tự tên lửa không đối không K-100 VLRAAM của Nga được phát triển trong 25 năm qua nhưng không được quân đội chấp nhận. Tên lửa K-100 có thể đánh trúng mục tiêu ở cự ly tới 400 km, nó được mệnh danh “sát thủ diệt máy bay cảnh báo sớm trên không”.

Để đạt được tầm bắn xa như vậy, tên lửa VLRAAM của Trung Quốc sẽ sử dụng loại động cơ mạnh mẽ mà có thể đạt tới tốc độ siêu thanh Mach 6 (7.347 km/h), nhanh gấp đôi so với tốc độ của tên lửa AIM-120. Nó sẽ thiết lập một vùng không có lối thoát (NEZ), đó là khu vực mà mục tiêu không thể chạy nhanh hơn tên lửa, thậm chí cả máy bay tàng hình.

Trung Quoc phat trien ten lua 'quai vat' doi pho My hinh anh 2

Các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không của Mỹ có thể bị đe dọa bởi tên lửa mới của Trung Quốc

Tên lửa có thể được phóng từ độ cao 15,2 km, nó có thể leo lên độ cao 30 km và lượn trong không khí hơn 160 km trước khi giảm dần độ cao để tấn công mục tiêu. Theo một báo cáo của tạp chí khoa học Popular Science, tên lửa VLRAAM của Trung Quốc có tầm bắn ước tính từ 400 đến 500 km.

Các chuyên gia dự đoán, tên lửa của Trung Quốc có thể được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cùng cảm biến quang – hồng ngoại dự phòng cho phép nhắm mục tiêu với độ chính xác cao.

"Tuy nhiên, việc tấn công một mục tiêu ở khoảng cách rất xa sẽ là vô ích nếu quá trình chỉ thị mục tiêu không chính xác, trừ khi bạn sẵn sàng để tiêu diệt tất cả mục tiêu trong tầm bắn mà không cần phân biệt quân hay dân sự", ông Axe nhận xét.

Video: Tên lửa Trung Quốc rực cháy trên bầu trời Mỹ

Quân đội Trung Quốc dường như đang phát triển giải pháp nhắm mục tiêu cho tên lửa VLRAAM thông qua máy bay không người lái tầm cao Divine Eagle. Nó sẽ chỉ thị mục tiêu cho tên lửa VLRAAM thông qua một liên kết dữ liệu.

Tầm bắn xa, tốc độ nhanh, tên lửa VLRAAM đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với “Chiến lược dự phòng thứ 3” của Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào máy bay tiếp dầu, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm. Trong khi đó, Mỹ chưa có dự án phát triển tên lửa không đối không mới ngoài các chương trình nâng cấp AIM-120.

(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề: Tin tức Trung Quốc
Bình luận
vtcnews.vn