Trung Quốc “ngụy trang lợi ích quân sự ở biển Đông”

Thế giớiThứ Hai, 23/07/2012 06:25:00 +07:00

Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa tham vọng nhằm áp đặt đường lưỡi bò lên các quốc gia khác, dù đường 9 đoạn này không có giá trị gì về mặt pháp lý.

Các động thái gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục làm các chuyên gia về quan hệ quốc tế lo ngại.

PV đã phỏng vấn tướng Daniel Schaeffer (ảnh) về những diễn biến liên quan đến biển Đông thời gian qua. Tướng Schaeffer từng là Tùy viên quân sự của Pháp tại Thái Lan (1986-1989), Việt Nam (1991-1995) và Trung Quốc (1997-2000). Từ năm 2000, ông mở văn phòng tư vấn chiến lược hoạt động tại Đông Nam Á và Trung Quốc cho các công ty, đồng thời tham gia các tổ chức nghiên cứu về địa chính trị châu Á tại Pháp như Asie 21, Asia Centre...

 Tướng Daniel Schaeffer

Là nhà quan sát độc lập, ông nhìn nhận thế nào về việc Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu 9 lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam trên biển Đông?


Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa tham vọng nhằm áp đặt đường lưỡi bò lên các quốc gia khác, dù đường 9 đoạn này không có giá trị gì về mặt pháp lý. Hồi tháng 4 và tháng 5 đã xảy ra “va chạm” giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough. Tiếp theo, có thể Trung Quốc sẽ có những hành động tương tự với Indonesia hay Malaysia.

Theo ông, vì sao thời gian gần đây, Trung Quốc lại liên tục hành động gây quan ngại? Truyền thông nước này thậm chí đề cập đến biện pháp quân sự…


Trung Quốc tỏ ra hung hăng trong việc áp đặt chủ quyền ở biển Đông vì cần nắm quyền thống trị vùng biển này để phục vụ lợi ích về mặt chiến lược quân sự. Theo tôi, đây là mục tiêu quan trọng nhất. Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của nước này không đủ kín đáo để có thể điều động từ căn cứ ở Hải Nam đến các khu vực tuần tra mà không bị phát hiện.

Chính vì vậy, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền để được phép ngăn cấm tàu chiến các nước đến biển Đông, đặc biệt là tàu Mỹ. Do đó, bằng các động thái gây hấn để “bảo vệ quyền lợi kinh tế” ở biển Đông, Trung Quốc muốn ngụy trang cho lợi ích thực sự về mặt chiến lược quân sự tại đây.


Tàu ngầm lớp Tấn (Jin) của Trung Quốc

Ông đánh giá thế nào về việc ASEAN công bố Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông?


Nguyên tắc 6 điểm phản ảnh hàng loạt thiện chí trước nay của các thành viên ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Tuy nhiên vấn đề hiện nay là xem xét các điểm trong nguyên tắc được “chú giải” như thế nào. Vẫn có khả năng ASEAN bình luận một đàng còn Trung Quốc đánh giá một nẻo và hậu quả là những vụ đụng chạm sẽ tiếp diễn.


Ông có thể cho biết kinh nghiệm ngoại giao của Pháp về việc phân chia chủ quyền ở Địa Trung Hải, vùng biển nhỏ hơn biển Đông 1 triệu km2 nhưng lại có hơn 20 quốc gia bao xung quanh?

Địa Trung Hải là biển gần như khép kín (chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất Gibraltar - NV). Vì vậy, nếu các nước đều ra sức tranh giành lãnh hải sẽ dẫn đến tranh chấp và ảnh hưởng đến việc chia sẻ lợi ích chung từ biển. Cho đến nay, không nước nào ở Địa Trung Hải có tham vọng thống trị toàn bộ vùng biển này như kiểu mà Trung Quốc đang làm ở biển Đông, trừ Ý vào thời của Mussolini.

Ý đồ chiến lược

Sau khi ngang nhiên thành lập cái gọi là TP.Tam Sa, bao trùm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố đã bắt đầu tuần tra định kỳ với chế độ sẵn sàng chiến đấu ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Đến ngày 20/7, Tân Hoa xã đưa tin Quân ủy trung ương Trung Quốc đã cho phép thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú ở Tam Sa.

Hiện nước này đang đặt cơ sở chỉ huy quân sự trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Trước đó, truyền thông Trung Quốc cũng từng dẫn lời Phó giáo sư Bạch Tú Lan của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng trung ương nước này, cho rằng Tam Sa cần được tập trung đầy đủ cả hải, lục, không quân.

Đáng quan ngại hơn, ông ta cho rằng đề xuất trên nhằm “Tăng cường thực lực để Trung Quốc chủ động thâu tóm các khu vực trên biển”.


Trong bài phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat, nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani cũng cho rằng Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông không chỉ vì nguồn năng lượng và hải sản.

Tương tự như ý kiến của tướng Daniel Schaeffer ở trên, chuyên gia Kotani nhận định Bắc Kinh muốn bảo đảm khu vực hoạt động và bảo vệ an toàn cho tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có khả năng mang tên lửa đạn đạo.

Theo ông, tàu ngầm lớp Tấn có thể xuất phát từ căn cứ ở Hải Nam và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tàu này lại có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công do chưa đủ độ kín đáo nên Trung Quốc cần tìm mọi cách hạn chế tàu chiến các nước hoạt động vào vùng biển này.


Mặt khác, cũng theo ông Kotani, Trung Quốc muốn biến các đảo đang chiếm đóng trái phép trên biển Đông thành các căn cứ không-hải quân để do thám, giám sát trên một khu vực rộng lớn, vươn đến tận các vùng biển bao quanh Nhật Bản.

Những căn cứ phi pháp còn là cơ sở để Bắc Kinh tìm cách chiếm giữ những khu vực nước sâu của biển Đông để mở rộng khu vực hoạt động của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hay các loại tàu chiến lớn.

Những ý đồ này đương nhiên tạo ra nguy cơ bất ổn trong khu vực, gây quan ngại cho không chỉ các nước trực tiếp tham gia tranh chấp, mà cả các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc, theo ông Kotani.

TheoNguyễn Ngọc Lan Chi - Văn Khoa/ Thanh Niên

Bình luận
vtcnews.vn