Trung Quốc đau đầu giải mã tín hiệu 'chiến tranh lạnh' của Mỹ

Thế giớiChủ Nhật, 28/10/2018 21:57:00 +07:00

Gần một tháng kể từ sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ tại Viện Hudson, Trung Quốc vẫn đau đầu giải mã tín hiệu gửi đi từ cường quốc đối thủ phía bên kia Thái Bình Dương.

Bài phát biểu ngày 4/10 của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson công kích những chính sách thương mại và an ninh của Trung Quốc có thể đã lọt thỏm giữa nhiều mối lo khác tại Washington trong thời gian qua, từ quyết định bổ nhiệm tân thẩm phán Tòa Tối cao Brett Kavanaugh đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Theo Japan Times, bài phát biểu đó vẫn là chủ đề nóng trong các bàn luận tại Bắc Kinh.

Viễn cảnh chiến tranh lạnh

Nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã ví von bài phát biểu ở Viện Hudson tương tự bài diễn văn "Bức màn sắt" của Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1946. Một số chuyên gia lo ngại 2 bài diễn văn sẽ có cùng chung số phận là đánh dấu khởi đầu chiến tranh lạnh giữa các cường quốc.

Trong bài phát biểu tại Viện Hudson, Phó Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang phát động chiến dịch tổng lực nhằm làm xói mòn những lợi thế công nghiệp của Mỹ, tác động đến cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông đồng thời cảnh báo Trung Quốc muốn hất chân Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương và mua chuộc những quốc gia Mỹ Latin bằng "ngoại giao bẫy nợ".

mike-pence-whitehouse

 Phó Tổng thống Mike Pence với bài phát biểu chấn động ở Viện Hudson hôm 4/10. (Ảnh: White House)

Nhìn dưới lăng kính bầu cử Mỹ, bài diễn văn ở Viện Hudson có thể là công cụ đánh lạc hướng những chỉ trích của Đảng Dân chủ nhắm vào chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump, cũng như để giảm áp lực điều tra Nga can thiệp bầu cử 2016.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ bài phát biểu chủ yếu nhắm đến người dân Mỹ, nhưng cũng nhằm tạo bước đệm cho chuyến công du châu Á sắp tới của Phó Tổng thống Mike Pence. Ông đã cùng Tổng thống Trump rà soát kỹ từng câu chữ cho bài diễn văn tại Viện Hudson.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại xem những lời cáo buộc của ông Pence như một sự tái khẳng định viễn cảnh 2 cường quốc đôi bờ Thái Bình Dương đối đầu về dài hạn. Nhiều người lo ngại Mỹ sẵn sàng dùng sức mạnh kinh tế lẫn quân sự để kiềm chế sự trỗi dậy của đối thủ.

Dennis Wilder, cựu giám đốc phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush, cũng đồng ý rằng có một thông điệp gửi riêng cho Bắc Kinh trong bài diễn văn "vốn dành cho khán giả trong nước" của Phó Tổng thống Mike Pence. 

"Đã đến lúc thông báo cho Trung Quốc rằng nước Mỹ sẵn sàng đối đầu với họ trên cùng lúc nhiều mặt trận", Wilder nhận định.

Diễn biến này làm hiện rõ thêm bầu không khí nghi ngờ lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày một nghiêm trọng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại chưa đến hồi kết và trao đổi liên lạc song phương thêm gay gắt.

Rủi ro từ tình thế này là lãnh đạo các bên không muốn tỏ ra yếu đuối trong cuộc đối đầu địa chính trị tất yếu và quyết định không tìm kiếm giải pháp cho các xung đột kinh tế.

Căng thẳng song phương

Bài phát biểu của ông Pence cũng khiến các mục tiêu ngắn hạn để nối lại đối thoại thương mại trở nên phức tạp hơn. Tổng thống Trump đã thông báo sẽ không đến dự thượng đỉnh Đông Á ở Singapore và Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea vào tháng tới.

Người sẽ thay thế ông chính là Phó Tổng thống Pence có thể sẽ nhận sự tiếp đón lạnh nhạt từ ôn Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bắc Kinh 4 ngày sau bài diễn văn của ông Pence, phía Bắc Kinh đã bày tỏ sự khó chịu ra mặt. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dùng cả buổi họp để chỉ trích chính phủ Mỹ đang làm hại niềm tin giữa 2 nước. Ông Tập cũng từ chối gặp ngoại trưởng Mỹ.

mattis-reuters

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) đã tìm cách xoa dịu căng thẳng song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. (Ảnh: Reuters)

Trong những ngày qua, truyền thông Trung Quốc liên tục đăng tải những bài bình luận cho rằng những lập luận của ông Pence là vô lý và ngớ ngẩn. 

"Những công kích thù hằn liên tiếp và vô căn cứ nhắm vào Trung Quốc từ giới lãnh đạo Mỹ thời gian qua cho thấy Washington đang muốn lôi Bắc Kinh vào một cuộc đối đầu tổng lực", một bài xã luận đăng ngày 12/10 trên Tân Hoa xã cảnh báo.

Những sự kiện tiếp nối sau bài diễn văn của ông Pence chỉ làm cho Bắc Kinh thêm tin tưởng về viễn cảnh chiến tranh lạnh cận kề. Tuần qua, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng chi tiền nhiều hơn Trung Quốc trong phát triển năng lực hạt nhân. Cùng giai đoạn đó, 2 tàu chiến của hải quân Mỹ bất ngờ di chuyển vào eo biển Đài Loan khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Trong bài phát biểu ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cảnh báo những hành động thách thức trong vấn đề Đài Loan là vô cùng nguy hiểm. "Mô hình an ninh kiểu bá quyền và đối đầu đã trở nên lỗi thời. Thế giới không nên tái diễn chiến tranh lạnh", ông Ngụy nhận định.

Theo ông Wang Wen, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, những công kích về kinh tế, tình báo và vấn đề an ninh eo biển Đài Loan trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence cho thấy quan hệ 2 nước đang ở trong tình trạng nghiêm trọng đỉnh điểm.

Hy vọng tìm thấy lối thoát

Những diễn biến trên khiến nhiều viên chức và cố vấn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải soi lại từng câu chữ trong bài phát biểu nổi tiếng của Churchill ở Fulton, Missouri, vào năm 1946. Cựu thủ tướng Anh khi đó kêu gọi các nước phương Tây liên kết chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản tại châu Âu.

Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tạm hài lòng với những điểm khác biệt mà họ tìm thấy giữa 2 bài diễn văn. Họ nhận thấy bài phát biểu của ông Pence chủ yếu liệt kê những phàn nàn của phía Mỹ, nhưng không đưa ra một đại chiến lược đối phó Trung Quốc như cách mà Winston Churchill vạch ra cho phương Tây đối đầu Liên Xô.

"Bài diễn văn của ông Pence ở một cấp độ thấp hơn", ông Wang Wen nhận định.

xi-trump-ap 3

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) luôn khẳng định ông có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP) 

Trong khi đó, một quan chức Trung Quốc cho rằng ngoài những lệnh áp thuế hàng hóa nhập khẩu, Washington vẫn chưa tiến hành động thái nào khác thực sự đáng kể nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Một quan chức khác thì tự tin rằng những đồng minh của Mỹ trong khu vực như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không chấp nhận rủi ro đổ vỡ quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mà lao vào một đại chiến lược phong tỏa Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Mặt khác, phía Bắc Kinh đến nay vẫn kiềm chế không trực tiếp công kích Tổng thống Trump. Họ không muốn cắt đứt sợi dây liên kết "đặc biệt" mà ông Trump luôn tự hào khẳng định đang duy trì với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc vẫn nuôi hy vọng rằng mối quan hệ nói trên đủ vững vàng để 2 nhà lãnh đạo quyết định không leo thang xung đột, chấp nhận cùng ngồi lại tìm một giải pháp bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng tới.

Pang Zhongying, giáo sư ngành quan hệ quốc tế Đại học Khoa học và Công nghệ Macau, cũng hy vọng Trung Quốc sẽ lắng nghe kỹ lưỡng các nguyện vọng của phía Mỹ chứ không quá tập trung vào thái độ thù hằn vì mục đích chính trị trong câu chữ của ông Mike Pence.

"Sự hiểu lầm sẽ đẩy quan hệ song phương vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Bài diễn văn của ông Pence có thể đã gửi đi những tín hiệu mang tính đối đầu, nhưng không phải tất cả nội dung trong đó đều sai. Trung Quốc nên xem xét một cách lý trí hơn", ông nhận định.

Video: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình xem kinh kịch tại Tử Cấm Thành

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn