Trung Quốc cấm bán iPhone: Động cơ và bản chất lệnh cấm

Thế giớiThứ Ba, 11/12/2018 10:58:00 +07:00

Ngày 10/12, Tòa án Phúc Châu, Trung Quốc kết luận Apple vi phạm hai bản quyền của công ty cung cấp chip Qualcomm Inc, qua đó ra lệnh cấm nhập khẩu và phân phối nhiều loại điện thoại của Apple vào thị trường nước này.

Công ty Mỹ đánh công ty Mỹ

Qualcomm Inc. là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây, có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ. Vào tháng 10/2017, công ty này lần đầu đệ đơn ngăn Apple sản xuất và bán iPhone tại Trung Quốc. Tòa án Trung Quốc kết luận Apple đã vi phạm 2 bản quyền phần mềm của Qualcomm về chỉnh sửa kích cỡ ảnh và quản lý ứng dụng trên màn hình cảm ứng.

Dù tác dụng thực tế của lệnh cấm chưa rõ ràng, thông tin được đưa ra cũng đủ gây “sốc” cho nhiều nhà quan sát khi Trung Quốc có thể đang nhắm vào một công ty Mỹ (Apple) thông qua mong muốn của một công ty Mỹ khác (Qualcomm). Theo CNN, các lệnh về sản phẩm hiếm khi được phê duyệt và Trung Quốc trước đó được dự đoán là sẽ từ chối yêu cầu cấm của Qualcomm.

Theo Reuters, lệnh cấm sơ bộ ảnh hưởng đến tất cả các mẫu từ iPhone 6s đến iPhone X được bán với phiên bản hệ điều hành iOS cũ. Trong một tuyên bố, Apple cho biết iPhone sẽ tiếp tục có mặt tại thị trường Trung Quốc với phần mềm mới.

H3UMPGZBHFDMVJJNETCJEEIYJ4

  Tòa án Trung Quốc ban lệnh cấm nhập khẩu và phân phối nhiều sản phẩm điện thoại của Apple từ dòng 6S đến X. (Ảnh minh họa: EPA)

“Apple tiếp tục hưởng lợi nhuận từ tài sản trí tuệ của chúng tôi trong khi từ chối bồi thường” – Don Rosenberg, cố vấn Qualcomm cho biết trong một tuyên bố.

Theo Reuters, vì các bằng sáng chế liên quan đến phần mềm, Apple sẽ phải thay đổi phần mềm để tiếp tục bán điện thoại. Các điện thoại iPhone mới sử dụng phiên bản mới nhất của hệ điều hành là iOS 12.

“Nỗ lực cấm sản phẩm của chúng tôi từ Qualcomm là một hành động tuyệt vọng của một công ty đang bị điều tra trên khắp thế giới với các hành động bất hợp pháp” – Apple nói. Qualcomm cũng đã yêu cầu các nhà chức trách Mỹ cấm nhập khẩu một số mẫu iPhone vì vấn đề sáng chế nhưng đến nay bị từ chối.

Các mẫu iPhone bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm sơ bộ ở Trung Quốc là iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.

Video: Cận cảnh iPhone Xs Max 2 sim chỉ dành cho thị trường Trung Quốc

Nguy cơ trả đũa trở nên sôi sục hơn

Theo The Street, xung quanh vụ việc có nhiều chi tiết đáng chú ý. Qualcomm là công ty từng chịu tổn thất đầu năm 2018 vì quyết định của các nhà chức trách Trung Quốc khi không đồng ý cho hãng này mua lại NXP Semiconductors, khiến Qualcomm phải từ bỏ thỏa thuận và trả phí hủy hợp đồng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Qualcomm không chỉ ở giữa cuộc tranh chấp bằng sáng chế với Apple mà còn đang tranh chấp với Huawei.

Lệnh cấm được tòa án Trung Quốc ban hành vào thời điểm Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei bị giới chức Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ và Washington mới thông báo thời hạn cứng tái áp đặt thuế bổ sung lên gần như toàn bộ sản phẩm của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nếu Bắc Kinh không đáp ứng được các điều khoản trong thỏa thuận 'đình chiến' thương mại.

Việc tòa án Trung Quốc đưa ra lệnh cấm cho thấy những hành động của Mỹ và Trung Quốc đối với đối phương rất khó đoán định, theo The Street. Cơ quan chức năng Trung Quốc đã sẵn sàng ký duyệt lệnh có thể làm ảnh hưởng đến doanh số địa phương của Apple – một công ty chịu trách nhiệm cho hàng trăm nghìn việc làm ở Trung Quốc.

Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng có thể việc bán điện thoại của Apple tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm này. Các sản phẩm mới của hãng – iPhone Xs, iPhone Xs Plus và iPhone Xr không nằm trong lệnh cấm và Apple tuyên bố các sản phẩm vẫn có sẵn tại thị trường Trung Quốc, đồng thời đã kháng cáo, yêu cầu xem xét lại quyết định này.

Vẫn chưa thể biết được liệu chính trị có đóng vai trò gì trong quyết định, nhưng Trung Quốc và Mỹ đang ở giữa một cuộc chiến thương mại trả đũa có nguy cơ trở nên sôi sục hơn, tờ CNN bình luận. 

Cuộc chiến toàn cầu của các ông lớn công nghệ

Apple và Qualcomm đã kiện lẫn nhau ở… khắp nơi trên thế giới, trong các vụ kiện liên quan đến hàng tỷ USD, mỗi bên đều đã có một số chiến thắng nhất định.

Năm 2017, Apple kiện Qualcomm đền bù 1 tỷ USD tố nhà cung cấp chip lợi dụng độc quyền để đòi chi phí bản quyền quá cao. Tháng 1/2018, Ủy ban châu Âu EC yêu cầu Qualcomm phải trả phí phạt 1,2 tỷ USD.

Apple và Qualcomm cũng kiện nhau trong nhiều vụ tranh chấp bằng sáng chế. Qualcomm từng yêu cầu thẩm phán liên bang Mỹ cấm bán iPhone. Tháng 6/2018, thẩm phán Ủy ban thương mại quốc tế kết luận Apple vi phạm một bằng sáng chế của Qualcomm về công nghệ tiết kiệm pin.

Tháng 7/2018, Qualcomm nói Apple sẽ không còn sử dụng các modem của họ trong iPhones. Sau thông báo, Qualcomm cắt giảm dự đoán lợi nhuận của mình.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn