Tránh kịch bản Chính phủ bị đóng cửa, Tổng thống Trump tính đường thoả hiệp

Thế giớiThứ Năm, 14/02/2019 22:26:00 +07:00

Tổng thống Trump hôm 13/2 cho thấy ý định sẽ ký văn kiện thỏa hiệp giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ lần nữa.

Ngày 13/2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố không muốn nhìn thấy các cơ quan liên bang phải đóng cửa một lần nữa do vấn đề tài trợ cho bức tường biên giới với Mexico. Kết quả các cuộc thăm dò mới đây nhất đều cho thấy, phần nhiều cử tri Mỹ chỉ trích nhà lãnh đạo của mình phải chịu trách nhiệm về 5 tuần chính phủ liên bang bị tê liệt, hay còn gọi là “shutdown” thời gian vừa qua.

trump-vov

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Dù không khẳng định sẽ ký phê chuẩn văn kiện, với mức dự chi chỉ bằng ¼ so với yêu cầu, song phát biểu lại được đánh giá là “phong cách thường thấy” của nhà lãnh đạo Mỹ khi đồng ý với một vấn đề gây chia rẽ. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh:

“Tôi không muốn chính phủ liên bang phải đóng cửa. Bởi đây sẽ là một điều kinh khủng. Tôi tin rằng, chúng tôi đã giành được 1 điểm trong lần đóng cửa trước đó. Mọi người đã nhận được ra tình hình tại biên giới xấu như thế nào, cũng như một biên giới không an toàn như thế nào.”

Nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người có quan hệ khá gần gũi với ông Donald Trump cho rằng, Tổng thống dường như đã chấp nhận thỏa hiệp và sau đó sẽ tìm cách "xoay xở" nguồn tiền còn thiếu để xây dựng bức tường biên giới, thậm chí là có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát và Thượng viện với đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ có thời hạn đến ngày 15/2 để thông qua văn kiện.          

Sau nhiều tuần thảo luận, các nhà đàm phán tại hai viện Quốc hội Mỹ hồi đầu tuần đã đạt được nhất trí về một dự thảo ngân sách cho phép Chính phủ hoạt động đến ngày 30/9 tới. Dự luật này cho phép xây dựng khoảng 90 km hàng rào biên giới với Mexico. Dù ngắn hơn so với con số được đề cập tới trong dự thảo hồi cuối năm ngoái là 110 km, song các nghị sĩ Cộng hòa dường như lại đang đứng trước sức ép phải sang trang “thời kỳ tê liệt” của chính phủ liên bang. Theo thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, đã đến lúc phải kết thúc công việc.

Dù việc thông qua thỏa thuận tại Quốc hội chắc chắn sẽ không hề dễ dàng, nhất là tại Hạ viện, song theo thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Seny Hoyer, đảng này muốn đưa văn kiện ra bỏ phiếu ngay tối 14/2. Nếu được thông qua, dự thảo sẽ được trình lên Thượng viện để được thông qua trước tối mai (15/2 theo giờ Mỹ).

Trong trường hợp xấu nhất là văn kiện không được thông qua hay công bố, Tổng thống Donald Trump khi đó có thể phải viện tới lệnh tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là lựa chọn mà ông thường xuyên nhắc tới thời gian qua nhằm cụ thể hóa cam kết tranh cử năm 2016.

Tuy nhiên, đây lại là một kịch bản nhiều rủi ro đối với Tổng thống Mỹ, bởi ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý do phe Dân chủ phát động có thể  khiến kế hoạch của ông bị dang dở.

Lựa chọn này cho phép ông “qua mặt’ Quốc hội, song lại cũng có thể tạo ra một tiền lệ mà phe Dân chủ hoàn toàn có thể hành động tương tự một khi trở thành đảng lãnh đạo.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn