Tổng thống Trump sắp 'qua mặt' Quốc hội Mỹ để xây dựng tường biên giới?

Thế giớiThứ Ba, 08/01/2019 08:30:00 +07:00

Tổng thống Trump tuyên bố sắp có bài phát biểu trước toàn quốc, chỉ một ngày sau khi ông đe dọa sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu Hạ viện Mỹ nhất quyết không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới.

“Tôi sẽ có bài phát biểu về cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia về khu vực biên giới phía nam vào 21h”, ông Trump viết trên Twitter ngày 7/1. 

Capture

Dòng tweet của ông Trump. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng ngày 7/1, thư ký báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders cho biết Tổng thống Trump sẽ tới thăm biên giới phía Nam giáp với Mexico vào ngày 10/1 để gặp gỡ người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo này. 

“Bất kể hành động nào của tổng thống chắc chắn cũng sẽ hợp pháp và chúng tôi sẽ xem xét mọi phương án có thể”, bà Sanders nói thêm khi được hỏi về tính khả thi của việc Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa chỉ một ngày sau khi ông cảnh báo sẽ không thỏa hiệp với quốc hội cho kế hoạch xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico, đồng thời đe dọa sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. 

Điều này làm dấy lên mối lo ngại nhà lãnh đạo Mỹ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp trong bài phát biểu tới đây, “qua mặt" Quốc hội Mỹ và sử dụng các quỹ của Lầu Năm Góc để xây dựng hàng rào ở biên giới với Mexico. 

Trong mộ tuyên bố mới đây, Phó tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Trump vẫn chưa ra quyết định về việc ban bố tình trạng khẩn cấp và văn phòng tư vấn Nhà Trắng đang xem xét tính hợp pháp của một tuyên bố như vậy, đồng thời thúc giục đảng Dân chủ ngồi vào bàn đàm phán. 

trumpdonald_050418getty_0 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty/The Hill) 

Một phần chính phủ Mỹ ngừng hoạt động kể từ ngày 22/12/2018 do những bất đồng giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ về ngân sách cho bức tường mà nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép. Tình trạng này đã kéo dài trong 17 ngày, ảnh hưởng tới 800.000 nhân viên công vụ liên bang. 

Hôm 4/1, sau khi đảng Dân chủ kiên quyết từ chối thông qua khoản ngân sách 5,6 tỷ USD cho bức tường, Tổng thống Trump đã đe doạ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhiều chuyên gia nhận định quyết định này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của nhà lãnh đạo Mỹ bởi Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia năm 1976 cho phép tổng thống có quyền hành động đơn phương khi xảy ra khủng hoảng. 

Theo giáo sư Mark Tushnet tới từ Trường Luật Harvard, Tổng thống Trump có thể có được bức tường bằng cách lấy tiền từ một số quỹ của Bộ Quốc phòng chưa sử dụng được Quốc hội rút ra hàng năm mà không có mục đích cụ thể. 

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith có cùng quan điểm này khi cho rằng ông chủ Nhà Trắng có đủ thẩm quyền để ban bố tình trạng khẩn cấp để phục vụ cho mục đích xây tường biên giới.  

“Tồn tại các điều khoản trong  luật cho phép tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp, điều từng xảy ra, nhưng chủ yếu là để xây dựng các căn cứ tại Afghanistan và Iraq”, ông Smith nói.   

Chính Tổng thống Trump cũng trích dẫn lời thừa nhận này trong một dòng tweet của mình, khẳng định “Không còn nghi ngờ gì nữa. Hãy thực hiện thỏa thuận của chúng ta tại Quốc hội”. 

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang California Adam Schiff nhận định rằng khó có khả năng ông Trump sử dụng quyền khẩn cấp, tương tự như việc Tổng thống Harry S. Truman không thể quốc hữu hóa ngành công nghiệp thép trong thời kỳ chiến tranh. 

Phản bác nhận định này, ông Will Chamberlain, một luật sư tới từ Washington cho rằng khác với người tiền nhiệm Harry S. Truman, Tổng thống Trump có cơ sở pháp lý vững chắc hơn đối với biên giới phía nam. Ông này cũng trích dẫn tuyên bố năm 2015 của Tổng thống Obama về tình trạng khẩn cấp quốc gia do tình trạng bất ổn dân sự ở Burundi.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn