Tổng thống Trump chuẩn bị đối mặt ‘sóng gió’ pháp lý sau tuyên bố khẩn cấp quốc gia

Thế giớiThứ Bảy, 16/02/2019 15:23:00 +07:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/2 nói ông tự tin việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để mở nguồn quỹ cho bức tường biên giới sẽ “đứng vững” trước tòa án tối cao, trong khi các thành viên đảng Dân chủ cam kết có hành động pháp lý chống lại thứ họ gọi là sự vi phạm phân quyền của tổng thống.

Theo Straits Times, tuyên bố khẩn cấp của ông Trump là bước đầu tiên để khoảng 3,6 tỷ USD từ các dự án xây dựng quân đội được tái phân bổ cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà ông Trump đề xuất. Trước đó, một dự luật ngân sách đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua, dành 1,375 tỷ USD cho 90 km hàng rào, theo Nhà Trắng.

Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ lấy thêm 600 triệu USD từ quỹ bộ tài chính, 2,5 tỷ USD từ chương trình phòng chống ma túy của bộ quốc phòng, tổng cộng “kiếm” được 8 tỷ USD cho bức tường, theo Straits Times.

Theo ông Trump, động thái này là vấn đề an ninh quốc gia cần thiết để bảo vệ biên giới Mỹ - Mexico, ngừng những kẻ tội phạm và buôn ma túy vào nước này. Ông thừa nhận có thể thua ở tòa án cấp dưới nhưng hy vọng chính sách được Tòa án tối cao ủng hộ.

trump-foxnews

Ông Donald Trump. (Ảnh: Fox News) 

Một quá trình tương tự đã diễn ra với chính quyền Trump năm 2018 với lệnh cấm di chuyển nhắm vào người dân các nước chiếm phần lớn là Hồi giáo.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sỹ thiểu số Chuck Schumer nói trong một tuyên bố chung rằng các hành động của ông Trump xâm phạm độc quyền của Quốc hội, trong việc phân bổ các nguồn quỹ liên bang như đã được ghi trong Hiến pháp.

“Đây đơn giản là một Tổng thống thất vọng đang giành lấy quyền lực, người đã vượt ra ngoài giới hạn luật pháp và cố gắng có được những gì ông ta không có được trong quá trình theo hiến pháp” – tuyên bố nói ngày 15/2. Pelosi và Schumer cho biết Quốc hội sẽ bảo vệ các thẩm quyền hợp hiến tại Quốc hội, tòa án và cộng đồng với tất cả các biện pháp có thể.

Nhiều người bao gồm các nghị sĩ, chính phủ tiểu bang, nhà thầu liên bang và chủ sở hữu đất khu vực biên giới có thể sẽ đứng ra kiện chính quyền ông Trump về tình trạng khẩn cấp mới được tuyên bố, theo các chuyên gia pháp lý. Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, một thành viên đảng Dân chủ, đã tuyên bố về cuộc khủng hoảng và viết trên Twitter: "Thông điệp của chúng tôi tới Nhà Trắng rất đơn giản: California sẽ gặp bạn tại tòa."

Trong khi đó, Nhà Trắng bảo vệ tính hợp pháp của động thái này. Quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney trả lời phóng viên rằng tất cả do Quốc hội Mỹ đã không thể cung cấp số tiền cần thiết, trong mắt tổng thống, để giải quyết tình trạng ở biên giới.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Russell V'd cho biết việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là phổ biến giữa các tổng thống và các tổng thống khác đã thực hiện 58 lần kể từ khi Đạo luật khẩn cấp quốc gia được ban hành năm 1976. Tuy nhiên, các chuyên gia luật hiến pháp lập luận rằng tuyên bố của ông Trump lần này là lần đầu tiên quyền khẩn cấp quốc gia để sử dụng với mục đích xây dựng một bức tường.

Giáo sư luật của Đại học Georgetown Mary McCord, từng là quyền trợ lý Bộ trưởng tư pháp Mỹ từ năm 2016 đến 2017, nói rằng nhiều tuyên bố khẩn cấp được dùng nhằm phản ứng với khủng hoảng ở các quốc gia khác và thường đi kèm với với việc chặn tài sản, hạn chế tiếp cận quỹ và cấm giao dịch tài chính với những người được chỉ định hoặc các công ty có mối đe dọa đối với Mỹ do khủng bố, gián điệp và các vấn đề khác.

"Điều đó dường như không tồn tại đối với tuyên bố khẩn cấp quốc gia lần này" - bà trả lời phóng viên.

Giáo sư luật của Đại học bang Ohio, Peter Shane, người chuyên nghiên cứu về phân quyền, nói rằng các trường hợp khẩn cấp quốc gia thường dẫn đến phản ứng ngay lập tức, và ông không thể nghĩ đến trường hợp nào Tổng thống lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia chỉ để một cơ quan khác tham gia dự án xây dựng kéo dài nhiều năm.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn