Toàn cảnh bê bối khiến Dolce&Gabbana bị tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc

Thế giớiThứ Bảy, 24/11/2018 18:32:00 +07:00

Nhà sáng lập Dolce&Gabana xin người dân Trung Quốc tha thứ sau khi bị lộ phát ngôn phân biệt chủng tộc khiến thương hiệu này vướng phải làn sóng tẩy chay mạnh mẽ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Video: Gabbana và Domenico Dolce xin lỗi người Trung Quốc

Trong video công bố ngày 23/11, Stefano Gabbana và Domenico Dolce – hai nhà sáng lập thương hiệu thời trang Dolce&Gabana chính thức xin lỗi vì những phát ngôn xúc phạm Trung Quốc vừa qua, đồng thời nói về tình yêu và sự tôn trọng của họ đối với văn hóa Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến người dân Trung Quốc trên toàn thế giới” – Gabbana nói.

Dolce nói thêm: “Chúng tôi hy vọng sự hiểu lầm về văn hóa Trung Quốc của chúng tôi có thể được tha thứ. Chúng tôi luôn phát cuồng vì Trung Quốc, chúng tôi đến đó rất nhiều. Chúng tôi đã đến rất nhiều thành phố. Chúng tôi yêu văn hóa của các bạn.”

Video kết thúc bằng từ “xin lỗi” được nói bằng tiếng Trung Quốc.

Đế chế Dolce & Gabbana lao đao tại Trung Quốc 

Nhà mốt Dolce&Gabana phải đối mặt với sự phẫn nộ của cộng đồng sau khi một đoạn chat trên Instagram của Gabbana bị tiết lộ, trong đó mô tả Trung Quốc là một “đất nước thối tha”.

dg-2

 Đoạn chat được cho là của nhà thiết kế Gabbana được chia sẻ trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Trong đoạn hội thoại, người được cho là Gabbana đã sử dụng hình ảnh đống phân để miêu tả về người Trung Quốc. Ông còn nói cộng đồng người Hoa là bẩn thỉu và tuyên bố “không có các người, chúng tôi vẫn sống tốt”.

Sina cho biết người trò chuyện với đồng sáng lập thương hiệu Dolce & Gabbana là Michaela Phương Thanh Tranova, một người mẫu gốc Việt.

Làn sóng chỉ trích càng trở nên mạnh mẽ khi chỉ không lâu trước đó, nhãn hàng đã và đang bị lên án vì một quảng cáo mô tả một người mẫu Trung Quốc phải cố gắng ăn các món Italy như pizza bằng đũa.

Video: Đoạn quảng cáo gây chỉ trích của Dolce&Gabbana 

Bê bối nổ ra khiến chuỗi thời trang này phải hủy một chương trình trình diễn ở Thượng Hải. Các nhà bán lẻ tại Trung Quốc và Hong Kong ngừng bán sản phẩm của Dolce & Gabbana. Các trang mua sắm trực tuyến của Trung Quốc đồng loạt gỡ bỏ các mặt hàng của hãng. Trên Weibo, dân mạng Trung Quốc chia sẻ clip đốt quần áo, giày dép hoặc vứt các sản phẩm của thương hiệu Italia vào thùng rác.

Nhiều người biểu tình nhắm đến cửa hàng chính của hãng tại kinh đô thời trang Milan (Italia). Nhiều hình ảnh được ghi lại trong các clip cho thấy hàng chục người Trung Quốc cầm tấm biển “không phải tôi” (not me) đứng ngoài cửa hàng. Cụm từ nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới với những người tức giận trước bình luận của Gabbana.

Công ty đưa ra lời xin lỗi tới Trung Quốc và người dân Trung Quốc, nói việc chương trình ở Thượng Hải bị hủy là điều đáng tiếc. Trong khi đó ông Gabbana nói tài khoản Instagram của mình đã bị hack.

dg-3

Người biểu tình tại cửa hàng Dolce&Gabbana Milan, Italy. (Ảnh: SCMP) 

Nhiều ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc như Chương Tử Di, Trần Khôn cũng tham gia làn sóng chỉ trích. Các đại sứ người Trung Quốc của thương hiệu, bao gồm Karry Vương Tuấn Khải, thành viên nhóm nhạc TFBoys, diễn viên Địch Lệ Nhiệt Ba cũng kết thúc hợp đồng.

Lời xin lỗi muộn màng

Dù đã đăng đàn xin lỗi và nói tất cả chỉ là một “sự hiểu lầm văn hóa Trung Quốc”, video ngày 23/11 dường như vẫn chưa đủ xoa dịu cơn bão “gạch đá” mà dư luận Trung Quốc dành cho thương hiệu thời trang nổi tiếng.

Theo SCMP, người dùng mạng xã hội Trung Quốc tỏ ra khinh thường lời xin lỗi này, cho rằng nó thiếu sự chân thành, dù các nhà sáng lập đã muốn gửi một “lời xin lỗi chân thành nhất”.

“Chúng tôi có quyền từ chối lời xin lỗi của các ông, hãy đi kiếm tiền ở các nước khác, các ông không phù hợp để kiếm tiền ở Trung Quốc” – một người dùng Weibo viết. “Chắc lời xin lỗi cũng do hacker đăng lên luôn” – một người khác nói.

Trong khi đó, hình ảnh chụp cuộc hội thoại giữa một khách hàng yêu cầu Dolce&Gabbana hoàn tiền được lan truyền rộng rãi. Hàng loạt cửa hàng của thương hiệu này không có khách mua.

Chính phủ Trung Quốc thể hiện không muốn liên quan trực tiếp đến vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 22/11 nói đây không phải là một vấn đề ngoại giao và Trung Quốc không muốn trầm trọng hóa nó trở thành một vấn đề ngoại giao.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn