Tiểu liên K50M, niềm tự hào một thời của ngành quân giới Việt Nam

Thế giớiThứ Hai, 23/01/2017 17:29:00 +07:00

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, ngành công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam ngay lập tức phải tham gia sản xuất phục vụ một cuộc chiến mới khốc liệt, khó khăn hơn nhiều lần.

Trong số các sản phẩm của ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời kỳ đó, có một vũ khí rất thú vị, đó chính là súng tiểu liên K50M được cải tiến từ nguyên mẫu K50 (Type 50) do Trung Quốc viện trợ.

Bản cải tiến của Type 50

Type 50 lại được sản suất dựa trên khẩu PPSh 41 lừng danh của Liên Xô do Georgi Shpagin thiết kế, súng sử dụng băng đạn dạng trống 71 viên hoặc loại băng cong 35 viên, tốc độ bắn 900 viên/phút, tầm bắn hiệu quả trong khoảng 125 - 200 m.

1

 Chiến sĩ của Việt Nam cầm súng tiểu liên K50M do Việt Nam cải tiến

Đầu những năm 1960, phong trào đồng khởi ở miền Nam nổ ra mạnh mẽ, dẫn tới yêu cầu rất cấp thiết về vũ khí trang bị cho dân quân du kích và bộ đội địa phương.

Nhằm đáp ứng đòi hỏi này, năm 1962, Bộ chính trị giao nhiệm vụ cho Tổng cục quân giới cải tiến súng K50 (Type 50) sao cho phù hợp với chiến trường miền Nam, cũng như cách đánh du kích của quân và dân ta.

Nhiệm vụ này được các cán bộ nhà máy Z1 đảm nhận, những cải tiến được đưa ra bao gồm thay báng súng cố định thành báng thép có thể kéo ra thu vào tùy ý; tháo vỏ bọc nòng súng, chế tạo bọc mới ngắn hơn 7,62 cm; thay đổi băng đạn mới.

2

 Type 50 (trên) và K50M (dưới)

Sau cải tiến, bề ngoài súng K50M có nhiều điểm tương đồng với khẩu MAT 49 của Pháp, những thay đổi trên là rất hợp lý, khiến khẩu súng ngắn hơn, dễ cơ động trong không gian hẹp mà vẫn đảm bảo tính năng kỹ chiến thuật, đặc biệt phù hợp với lối đánh của đặc công, du kích.

Tính năng kỹ chiến thuật của súng tiểu liên K50M

Tiểu liên K50M sau cải tiến đã thu được kết quả rất khả quan, súng có chất lượng tốt, các thông số cơ bản bao gồm trọng lượng 4,4 kg, chiều dài 571/756 mm khi thu/kéo báng, tốc độ bắn 700 viên/phút, lắp được hộp tiếp đạn rời 35 viên cỡ 7,62 x 25 mm Tokarev, tầm bắn hiệu quả đạt 200 m

K50M có hai chế độ bắn: tự động và bán tự động (phát một) nhằm tiết kiệm đạn, nên rất thuận tiện cho người sử dụng.

3

 Cận cảnh khẩu tiểu liên K50M

Sau khi thử nghiệm thực địa thành công, nhà máy Z1 bước vào sản xuất hàng loạt phục vụ chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn 1962 -1963, có 7.000 khẩu K50M được xuất xưởng. Đến năm 1968, ước tính khoảng 10.000 súng tiểu liên K50M được gửi vào miền Nam.

Tiểu liên K50 hay PPSh 41 đều được thiết kể để chiến đấu theo kiểu 'xung phong', hay tác chiến trong đô thị có không gian hẹp nhằm thay thế nhiệm vụ của súng trường.

Còn K50M, với việc thay báng gỗ cố định thành báng thép hỗ trợ rút ra đẩy vào không chỉ giữ nguyên những đặc tính trên mà còn phù hợp hình thức cơ động, du kích bí mật, không những vậy, còn đơn giản hóa quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí chế tạo, phù hợp với năng lực nền công nghiệp quốc phòng nước ta thời kỳ thập niên 1960.

Nguồn: Thời Đại
Chuyên đề: Tin tức Nga
Bình luận
vtcnews.vn