Thượng đỉnh APEC bị hủy, Mỹ - Trung ‘nhẹ gánh’ vì không phải vội vàng ký thỏa thuận?

Thế giớiThứ Năm, 31/10/2019 17:11:00 +07:00

Các chuyên gia cho rằng việc Chile đột ngột hủy hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC, nơi hai lãnh đạo Trump-Tập dự kiến gặp mặt chưa chắc là tin tiêu cực.

Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu từ Trung Quốc và Mỹ sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại vào thứ Sáu (1/11), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, và các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đi đúng hướng mặc dù kế hoạch cho cuộc gặp cấp lãnh đạo của họ ở Chile bị hủy bỏ.

Phát ngôn viên Bộ này cho biết hai nước duy trì liên lạc chặt chẽ và các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi nước chủ nhà Chile tuyên bố hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11, khiến các quan chức Trung Quốc chưa kịp xoay sở, theo SCMP.

trump_xi_osaka001

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Osaka. (Ảnh: Brookings Institution)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu dự kiến gặp nhau bên lề cuộc họp APEC tại Santiago, Chile, ngày 16 và 17/11. Trọng tâm của cuộc gặp là khả năng hai bên ký hiệp định thương mại tạm thời, bước "gỡ nút" cho xung đột thương mại kéo dài 16 tháng qua khiến kinh tế toàn cầu ảnh hưởng.

Cuộc họp Trump-Tập chưa biết đi về đâu khi Tổng thống Chile, Sebastian Pinera hủy hội nghị APEC vì các cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước này. Nhưng các nhà quan sát ngoại giao và cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết việc hủy bỏ thượng đỉnh APEC có thể giảm bớt áp lực cho các nhà đàm phán từ Trung Quốc và Mỹ, trong việc đạt được thỏa thuận thương mại một phần.

Thỏa thuận tạm thời này được đề xuất dựa trên các cuộc đàm phán hoàn tất vào ngày 11/10 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Tổng thống Trump cho biết hai bên đạt được "thỏa thuận giai đoạn một đáng kể", có thể được chính ông và ông Tập phê chuẩn tại cuộc họp bên lề APEC.

Shi Yinhong, một ủy viên hội đồng nhà nước Trung Quốc và giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho biết việc hủy bỏ APEC có thể giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian đưa ra một thỏa thuận tốt hơn. Lịch trình ban đầu quá chặt chẽ để đưa ra thỏa thuận bằng văn bản, dù chỉ là thỏa thuận một phần.

"Việc hủy bỏ thượng đỉnh APEC không hẳn là một điều xấu", ông Shi nói. "Có thể tồi tệ hơn nếu họ vội vàng thực hiện một thỏa thuận chưa tới rồi sau đó lại hỏng việc. Ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết tại APEC, vẫn có khả năng mọi thứ sẽ xấu đi nếu thỏa thuận không đủ tốt."

Sau cuộc hội đàm tháng 10, Mỹ hoãn kế hoạch tăng thuế (30%) đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, nhưng không nói liệu mức thuế mới 10% đối với 156 tỷ USD hàng Trung Quốc khác có tiếp tục được áp dụng từ ngày 15/12 hay không.

Nhà Trắng cho biết, sau khi Chile tuyên bố hủy bỏ thượng đỉnh APEC, Mỹ vẫn dự kiến sẽ ký một thỏa thuận thương mại ban đầu với Trung Quốc vào tháng tới, nhưng chưa có địa điểm thay thế nào được đặt ra để ông Tập và ông Trump gặp nhau. Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin cho biết các cuộc thảo luận với Trung Quốc tỏ ra hiệu quả.

Reuters, trích dẫn các nguồn tin, cho biết Mỹ dự định tổ chức các cuộc gặp ở Alaska và Hawaii, trong khi Trung Quốc đề xuất Macau. 

Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Đại dương Trung Quốc, cho biết nhiều khả năng ông Trump sẽ không gặp ở một địa điểm tại Trung Quốc do căng thẳng đang diễn ra, nhưng Brazil có thể là một địa điểm khả thi nếu nhu cầu cuộc gặp đủ lớn. Ông Tập dự định đến Brazil vào tháng tới.

Nhưng Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc-Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng ít có khả năng Trung Quốc sẽ vội vàng sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh song phương.

"Trung Quốc tin rằng vấn đề chưa đến mức khẩn cấp mà họ phải tổ chức ngay một hội nghị thượng đỉnh song phương", ông nói. "Tuy nhiên, hai bên đều muốn ký thỏa thuận giai đoạn một, và Trung Quốc có thể xem xét các lựa chọn thay thế, chẳng hạn như để ông Lưu Hạc và đại diện Mỹ ký trước."

Yuan Zheng, một chuyên gia khác về quan hệ Trung Quốc-Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết APEC là một nơi thuận tiện cho cuộc gặp nhưng bản chất thỏa thuận quan trọng hơn nơi ký kết. Ông nói đúng là thỏa thuận có thể được ký bởi các đại diện, tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc ông Trump muốn cuộc gặp diễn ra thế nào.

"Ông Trump đang đối mặt với cuộc bầu cử và áp lực trong nước rất lớn. Nhưng tất nhiên, nếu thỏa thuận được thiết lập và nếu các chi tiết của cuộc họp thiết thực, phía Trung Quốc cũng muốn có một cuộc họp cấp lãnh đạo", ông Zheng nhấn mạnh.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn