Thủ tướng: Đề nghị Mỹ phối hợp chặt chẽ với ASEAN giải quyết vấn đề biển

Thế giớiThứ Tư, 17/02/2016 11:56:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về vấn đề an ninh biển trong phiên họp thứ 2, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN đang diễn ra tại Sunnylands, California.

(VTC News) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về vấn đề an ninh biển trong phiên họp thứ 2, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN đang diễn ra tại Sunnylands, California.

Trong phiên họp thứ 2 tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands ngày 16/2/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu trước hội nghị nêu bật các vấn đề quan trọng của Việt Nam cũng như ASEAN và Mỹ hiện nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đến Sunnylands ngày 15/2
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đến Sunnylands ngày 15/2 
Trong đó, đứng đầu là vấn đề về an ninh biển, sau đó và cách đối phó khủng bố quốc tế và biến đổi khí hậu.

Sau đây, VTC News xin trích nguyên văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên này:

"Thưa Ngài Đồng chủ tịch,
Thưa Quốc Vương và các vị đồng nghiệp,

Các vấn đề an ninh biển, chống khủng bố và biến đổi khí hậu được đề xuất cho buổi thảo luận hôm nay thực sự là những thách thức gay gắt nổi lên hiện nay đối với việc bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong đó, vấn đề an ninh biển có ý nghĩa đặc biệt vì không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước khu vực mà còn liên quan mật thiết đến hòa bình và an ninh trên thế giới.

Để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực này, tôi đề nghị chúng ta tập trung vào một số vấn đề sau:

- Về an ninh biển


Đây là vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu. Tại khu vực Biển Đông, nơi diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến đầu tư, thương mại, giao lưu kinh tế với trên 50% vận tải thương mại quốc tế và nhiều đường hàng không quốc tế đi qua khu vực này.

Các quốc gia ven bờ Biển Đông đã đạt nhiều thỏa thuận về phân định ranh giới và quyền tài phán biển, cùng nhau và cùng các đối tác ngoài khu vực triển khai nhiều hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, hợp tác cứu nạn, phòng chống thiên tai, chống cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia.

Những diễn biến phức tạp gần đây trên một số vùng biển ở châu Á-TBD, trong đó có Biển Đông, đang gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, bị đánh giá thuộc mức rủi ro cao nhất liên quan đến xung đột và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho hòa bình và phát triển ở khu vực và toàn cầu.

Tình hình phức tạp ở Biển Đông nảy sinh từ những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC 2002).

Gần đây nhất là những hành động đơn phương bồi đắp và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.

Đầu tháng 1/2016, diễn ra việc đưa máy bay ra các đảo nhân tạo mà không hề thông báo cho Cơ quan quản lý bay khu vực FIR-Hồ Chí Minh, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn bay của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đe dọa an ninh và an toàn hàng không trong khu vực.

Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị cấp cao của ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 11/2015) đã thể hiện quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm xói mòn sự tin cậy và lòng tin giữa các bên và có thể làm nguy hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và cả khu vực.

Chúng ta đã nhất trí cam kết nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện DOC, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm phức tạp tình hình và không quân sự hóa.  

Chúng tôi đánh giá cao cộng đồng quốc tế có tiếng nói kịp thời ủng hộ và chia sẻ lập trường vì hòa bình của ASEAN; hoan nghênh các đề xuất, sáng kiến của tất cả các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ nhằm đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Chúng tôi đề nghị các quốc gia ASEAN và Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để tiếp tục thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982;  không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC.

Chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với ASEAN phát huy các cơ chế hợp tác chính trị - an ninh khu vực của ASEAN (AMM, EAS, ARF, ADMM+…), đẩy mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung, xây dựng lòng tin chiến lược bền vững và thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa trên biển, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, phòng chống cướp biển, lập đường dây nóng, hỗ trợ năng lực thực thi pháp luật trên biển.

- Về chống khủng bố quốc tế

Việt Nam lên án mạnh mẽ và kiên quyết chống khủng bố quốc tế dưới mọi hình thức; chia sẻ lo ngại sâu sắc về thực trạng ngày càng nghiêm trọng của thách thức xuyên quốc gia này.

Việt Nam đã xây dựng luật pháp và triển khai nhiều biện pháp cụ thể ở cấp độ quốc gia. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng ASEAN và các đối tác chống khủng bố quốc tế.

- Về ứng phó với biến đổi khí hậu


Đây là vấn đề gắn liền với sự tăng trưởng bền vững của khu vực nói chung và ASEAN nói riêng. Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; chúng tôi đã có nhiều nỗ lực, chủ động ở cấp độ quốc gia và hợp tác quốc tế.

Đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ ASEAN thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc về Phát triển bền vững đến 2030, Thỏa thuận Hội nghị COP-21 về biến đổi khí hậu và Tuyên bố chung ASEAN-Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, triển khai Sáng kiến hạ nguồn Mê-Công (LMI)…

Tôi đề nghị nghiên cứu khả năng thành lập Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ về phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH, trong đó có vấn đề nước biển dâng, đặt tại một thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Tôi tin rằng thảo luận hôm nay giúp khẳng định những nhất trí chung, khơi nguồn những ý tưởng, cách làm mới vì lợi ích của chúng ta và cộng đồng quốc tế".

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn