Tại sao sau 40 năm chế độ tàn bạo Khmer Đỏ mới bị tuyên có tội 'diệt chủng'?

Thế giớiThứ Ba, 08/01/2019 11:58:00 +07:00

Ngày 16/11/2018, hai tên đầu sỏ của Khmer Đỏ lần đầu bị tuyên có tội "diệt chủng", gần 40 năm sau khi chế độ tàn bạo này sụp đổ, trong khi trước đó bọn chúng chỉ phải nhận cáo buộc "tội ác chống lại nhân loại".

“Diệt chủng” hay “tội ác chống lại nhân loại”

Từ “diệt chủng” lần đầu tiên được Raphael Lemkin, luật sư người Ba Lan đặt ra năm 1944 trong cuốn sách Axis Rule in Occupied Europe (Tạm dịch: Quy tắc trục ở châu Âu bị chiếm đóng). Diệt chủng (genocide) bao gồm tiền tố tiếng Hy Lạp “genos” – nghĩa là chủng tộc hoặc bộ tộc, và hậu tố tiếng Latin “cide” nghĩa là giết.

Lemkin phát triển thuật ngữ này một phần để phản ứng với chính sách tận diệt những người Do Thái của Phát xít Đức và để gọi những hành vi tàn sát một nhóm người nhất định. Sau đó, Lemkin dẫn đầu chiến dịch để khiến "diệt chủng" được công nhận và lập thành một tội ác quốc tế.

hitler

 Trùm phát xít Adolf Hitler. (Ảnh: NY Post)

Diệt chủng lần đầu được công nhận là tội ác theo luật quốc tế năm 1946 bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, được thành lập thành một tội độc lập theo Công ước Ngăn chặn và trừng phạt Tội ác Diệt chủng 1948 (Công ước Diệt chủng). Công ước này được phê chuẩn bởi 149 nước tính đến tháng 1/2018.

Tòa án công lý quốc tế (ICJ) liên tục nhắc lại rằng Công ước thể hiện những nguyên tắc là một phần của luật quốc tế chung. Điều này có nghĩa là dù một nước đã phê chuẩn Công ước hay chưa, họ vẫn bị ràng buộc về mặt luật pháp với việc diệt chủng là một tội ác bị cấm theo luật quốc tế.

Định nghĩa của tội này được trình bày trong Điều II của Công ước. Theo điều khoản này, diệt chủng tất cả những hành vi sau đây thực hiện với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo, như: giết các thành viên của nhóm; gây hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm; cố tình gây ra cho nhóm các điều kiện sống nhằm hủy diệt về mặt vật lý một phần hoặc toàn bộ nhóm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn sinh sản trong nhóm; ép buộc đưa trẻ em của nhóm sang nhóm khác.

Tội diệt chủng có thể diễn ra trong bối cảnh xung đột vũ trang, quốc tế hoặc không quốc tế cũng như bối cảnh hòa bình. Tội bao gồm hai yếu tố chính là yếu tố tinh thần – “ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo” và thể chất – bao gồm 5 hành động được liệt kê ở trên.

“Ý định” là phần khó chứng minh nhất, theo trang web Liên Hợp Quốc. Để hình thành tội diệt chủng, những kẻ phạm tội phải được chứng minh là có ý định phá hủy một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Sự hủy diệt văn hóa hay ý định giải tán một nhóm là chưa đủ, điều này khiến tội diệt chủng trở nên đặc thù. Bên cạnh đó, án lệ còn gán “ý định” với sự tồn tại của một kế hoạch hoặc chính sách của nhà nước hoặc tổ chức, dù trong định nghĩa không bao gồm yếu tố này.

Ngoài ra, các nạn nhân của tội diệt chủng cần được xác định là bị cố ý nhắm đến vì là thành viên của một trong bốn nhóm được bảo vệ (quốc gia, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo). Điều này có nghĩa là đối tượng nhắm đến của tội diệt chủng phải là nhóm mà không phải cá nhân. Tội diệt chủng cũng có thể được thực hiện chống lại một phần của nhóm, miễn là phần đó xác định được (bao gồm trong một khu vực địa lý hạn chế chẳng hạn) và “đáng kể”.

Trong khi đó, “tội ác chống lại nhân loại” (crimes against humanity) được định nghĩa là bất cứ hành động nào được thực hiện như một phần của cuộc tấn công lan rộng hoặc có hệ thống nhằm chống lại bất cứ nhóm dân sự nào, trong khi có nhận thức về việc tấn công đó. Một số hành động được liệt kê bao gồm: Giết, tàn sát, nô lệ, trục xuất hoặc ép buộc dịch chuyển dân số, phạt tù hoặc tước quyền tự do thể xác nghiêm trọng vi phạm quy tắc cơ bản của luật quốc tế, tra tấn, nô lệ tình dục, hành hạ bất cứ nhóm xác định được nào về dân tộc, chủng tộc, chính trị, tôn giáo, giới tính,…

Khác với diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại không cần nhắm đến một nhóm cụ thể nào. Nạn nhân của việc tấn công có thể là bất cứ nhóm dân sự nào, bất kể danh tính và các mối liên kết. Một khác biệt quan trọng nữa là trong trường hợp tội ác chống lại nhân loại, không cần phải chứng minh hành động có một “ý định” chung.

Bản án diệt chủng lần đầu được tuyên sau 40 năm

Ngày 16/11/2018, hai tên đầu sỏ của Khmer Đỏ còn sống bị tuyên có tội diệt chủng, gần 40 năm sau khi chế độ tàn bạo này sụp đổ, trong một bản án được hàng triệu người Campuchia theo dõi.

lanh-dao-khmer-do-tuyen-an-diet-chung-1

 Khieu Samphan, trái và Nuon Chea, phải, năm 2013. (Ảnh: Mark Peters/AP)

Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi bị kết án tù chung thân với tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại thực hiện vào giai đoạn từ năm 1977 đến 1979. 

Nuon Chea, được mô tả là “cánh tay phải của Pol Pot, bị tuyên có tội với tất cả các cáo buộc diệt chủng liên quan đến người Việt và người Chăm theo đạo Hồi. Khieu Samphan có tội diệt chủng đối với người Việt nhưng không bị kết tội diệt chủng với người Chăm.

Dù ngày càng được nhiều người biết đến, khái niệm diệt chủng dựa vào một định nghĩa pháp lý hẹp về “ý định cụ thể” khiến nó đặc biệt khó chứng minh, theo các chuyên gia.

Tranh cãi giữa các chuyên gia cho rằng Khmer Đỏ đã dẫn đầu một chiến dịch tiêu diệt các nhóm người không phù hợp với mục tiêu cách mạng của mình mà không phải là có ý định tiêu diệt nhóm dân tộc cụ thể nào. Câu hỏi cần trả lời là các nhóm có bị nhắm vào ngay từ đầu và trên hết vì dân tộc, tôn giáo của họ hay không, hay vì họ đại diện cho những đối thủ chính trị và kinh tế. Nếu các nạn nhân thuộc về vế sau, họ sẽ nằm ngoài định nghĩa của tội diệt chủng.

Đây cũng là điểm các học giả nghiên cứu chế độ Khmer Đỏ tranh cãi. Ben Kiernan, nhà sử học tại Đại học Yale, một người tích cực đấu tranh để chứng minh tội diệt chủng của Khmer Đỏ, cho rằng “không có gì để hỏi” về việc những người Việt Nam bị nhắm đến vì mục tiêu chủng tộc. Kiernan cũng tin rằng có một chính sách nhằm loại bỏ cộng đồng người Chăm, ước tính 36% trong số 250.000 người Chăm đã chết dưới tay chế độ tàn bạo này. 

Làm chứng tại tòa vào tháng 3/2016, Alex Hinton, nhà nhân chủng học và giám đốc Trung tâm nghiên cứu về diệt chủng và nhân quyền, đã chỉ ra một bài phát biểu của Pol Pot tuyên bố sẽ khiến “không còn hạt giống nào” của người Việt còn lại ở Campuchia – thể hiện ý định hủy diệt một chủng tộc, Hinton nói.

Gregory Stanton, chủ tịch Genocide Watch cho rằng cần phân biệt giữa “ý định pháp lý” và “động cơ”. “Ý định của diệt chủng phải là hủy hoại các thành viên của một nhóm. Động cơ là mục đích các hành động. Cuộc nổi dậy của người Chăm theo sau cuộc đàn áp dữ dội của Khmer Đỏ cố gắng ngăn chặn người Chăm nói ngôn ngữ của họ, nuôi dạy con cái của họ và sống như người chăm. Dẹp bỏ nổi loạn có thể là động cơ của hành động diệt chủng của Khmer Đỏ với người chăm, nhưng đàn áp cuộc nổi loạn và diệt chủng không loại trừ lẫn nhau mà đi cùng nhau.”

Quá trình tìm công lý gian nan

Năm 1997, Campuchia tiếp cận Liên Hợp Quốc để được giúp thành lập một tòa án truy tố những người chịu trách nhiệm gây ra thảm kịch khủng khiếp thời kỳ Khmer Đỏ. Hơn một thập niên trôi qua trước khi vụ án đầu tiên - chống lại người đứng đầu nhà tù khét tiếng Tuol Sleng, Kaing Guek Eav, còn được gọi là Duch - được xét xử tại Tòa án quốc tế xét xử tội ác của Khmer Đỏ (ECCC) năm ngày 17/2/2009.

Tháng 7/2010 Khang Khek Ieu (hay Kaing Guek Eav) bị kết tội và phạt tù giam 35 năm và ngày 3/2/2012, trong phán quyết phúc thẩm cuối cùng ECCC đã nâng mức án thành tù chung thân. Ngày 7/8/2014, Nuon Chea và Khieu Samphan đã bị kết tội và nhận án chung thân cho tội ác chống lại loài người.

Những tranh cãi xung quanh vụ việc khiến quá trình xử lý chậm lại đáng kể, trong khi Pol Pot và những tên đầu sỏ của chế độ, Ieng Sary và Ieng Thirith đều thoát khỏi truy tố, 2 người chết trước khi có thể đứng trước tòa còn Thirith bị bệnh Alzheimer. 

vnapotal40-1546170266-100-15467704101071295706944 3

 Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek, cách Thủ đô PhnomPenh khoảng 17km về phía Nam. Choeung Ek là hố chôn người khổng lồ và kinh hoàng nhất trong số gần 100 mồ chôn tập thể trên khắp đất nước Campuchia. (Ảnh: Thế Trung – TTXVN)

Cuộc diệt chủng Campuchia là cuộc diệt chủng mà chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo, thực hiện tại Campuchia từ giữa năm 1975 đến 1979.

Đặc điểm kỳ dị của cuộc diệt chủng này là thế lực nắm quyền thực hiện đối với chính dân tộc mình theo lý do ý thực hệ. Các ước tính cho thấy có từ 0,5 đến 3 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng này. Cho đến nay đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể chôn lấp các nạn nhân, thường được gọi là Cánh đồng chết.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn