Sức mạnh tên lửa tầm ngắn nhanh nhất thế giới Starstreak

Thế giớiThứ Ba, 21/02/2017 11:46:00 +07:00

Hãng Thales của Anh ký biên bản ghi nhớ về tiềm năng hợp tác chuyển giao công nghệ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Starstreak với hãng Bharat Dynamics Limited, Ấn Độ.

Theo Defense News, ngày 19/2, trong khuôn khổ triển lãm hàng không quân sự Aero India 2017, hãng Thales của Anh đã ký biên bản ghi nhớ về tiềm năng hợp tác chuyển giao công nghệ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Starstreak với hãng Bharat Dynamics Limited của Ấn Độ.

Thỏa thuận này được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự quốc phòng Anh-Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa công bố thông tin nào liên quan tới khả năng trang bị tổ hợp tên lửa Starstreak.

Clip hệ thống Starstreak diệt mục tiêu

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây cho rằng, khả năng Ấn Độ mua hệ thống Starstreak là rất cao và vũ khí này sẽ được New Delhi ưu tiên triển khai trên dọc tuyên biên giới với Trung Quốc - nơi cũng sẽ là điểm ưu tiên triển khai S-400 sau khi mua từ Nga.

Và nếu việc mua và triển khai Starstreak của Ấn Độ đúng như đồn đoán thì đây là việc làm rất cần thiết bởi theo nhà sản xuất Thales, đây là hệ thống phòng không tầm thấp nhanh nhất thế giới và có thể tăng tốc hơn 1.000m/s trong vòng chưa đến 1 giây. Khi đã đạt được vận tốc cực đại, 3 đạn con được tách ra và lao tới mục tiêu.

Cách thiết kế nhiều đạn con này nhằm tăng tối đa xác suất tiêu diệt mục tiêu, khi được giải phóng, 3 đạn con tạo ra vùng tấn công có bán kính 1,5m và đủ động năng để đánh chặn các mục tiêu có độ cơ động tới 9G trong khoảng cách từ 300 đến 7.000m.

ten-lua-nhanh-nhat-the-gioi-ap-sat-trung-quoc_21652238

 Hệ thống Starstreak

Đạn con được làm từ hợp kim Vonfram siêu cứng, bền nhiệt. Điều này đảm bảo cho viên đạn sau khi ma sát mạnh với không khí vẫn có độ cứng cực cao để xuyên phá vào bên trong mục tiêu. Lúc này đầu nổ 450g mới được kích hoạt nhờ cơ chế nổ tác động trễ. Cách tấn công này đặc biệt hiệu quả với các phương tiện bay vốn được thiết kế rất kín.

Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường bán chủ động bằng 2 chùm laser, tạo ra một hệ tọa độ chính xác hai chiều trong không gian, những điều chỉnh của chùm laser được các đạn con tiếp nhận và bộ điện tử trong chúng sẽ chuyển tín hiệu quang thành tín hiệu điện tử điều chỉnh hướng cho tên lửa, đây là phương pháp tiên tiến nhất trong các phương pháp dẫn đường bán chủ động SACLOS.

Đặc biệt phù hợp với các hệ thống phòng không vì nó cho tên lửa một đường bay tắt, tăng khả năng đánh chặn với các mục tiêu có tính cơ động cao như máy bay phản lực.

Chùm laser có độ chụm lớn, năng lượng cao, tạo ra tín hiệu phản xạ mạnh từ mục tiêu bị chiếu. Chùm chiếu có khả năng chiếu xạ ở khoảng cách xa, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, không thể bị gây nhiễu và khó phát hiện.

Đây là những ưu điểm nổi trội so với những phương pháp khác như dẫn bằng dây, hồng ngoại hay radar... Bộ dẫn bằng laser cũng có cấu tạo nhỏ gọn, linh hoạt.

Tuy nhiên, hệ dẫn laser cũng không phải không có nhược điểm, tia laser là một chùm vi sóng nên chúng bị hấp thụ bởi các phần tử có kích thước tương đương trong không khí như các hạt khói bụi. Điều này khiến hệ dẫn laser làm việc kém trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhiều khói bụi.

Phương pháp điều khiển bắn tinh vi cũng yêu cầu xạ thủ phải được đào tạo hết sức bài bản và thuần thục khi thực chiến. Và điều đặc biệt nguy hiểm là hệ thống này có thể dễ dàng bị phát hiện bởi các phương tiện bay có trang bị bộ cảnh báo bị chiếu laser.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn