Sự bảo mật tuyệt đối của chủ nhà Việt Nam và cách báo quốc tế 'bày binh bố trận' đưa tin Mỹ-Triều

Thế giớiThứ Ba, 05/03/2019 17:35:00 +07:00

Trước sự bảo mật tuyệt đối của nước chủ nhà Việt Nam,báo quốc tế khi tới đưa tin Hội nghị Mỹ-Triều đã phải "bày binh bố trận", rải rác phóng viên tại nhiều địa điểm để nghe ngóng tin tức.

Để chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Reuters đã bố trí dàn phóng viên tới Việt Nam từ nhiều ngày trước đó. Đội ngũ của hãng tin Anh cử sang Việt Nam rất hùng hậu, có tới 35 phóng viên, nhiếp ảnh gia và nhà báo.

Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, tất cả họ cùng phóng viên nhiều báo, đài khác từ hơn 200 hãng tin, thông tấn khắp nơi trên thế giới đều không nắm được thông tin về địa điểm cũng như thời gian chính xác của thượng đỉnh Mỹ-Triều. Với những người săn tin, đây là một thách thức thực sự. 

metro

 Lực lượng an ninh Việt Nam bên ngoài Khách sạn Metropole Hà Nội hôm 24/2. (Ảnh: Reuters)

Trước khi Tổng thống Trump công bố sẽ gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại Việt Nam trong bài phát biểu ngày 5/2 - chỉ 3 tuần trước khi hội nghị diễn ra, thành phố được lựa chọn cho cuộc gặp này vẫn là bí ẩn.

Ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên sẽ diễn ra tại Hà Nội vào 2 ngày cuối cùng của tháng 2/2019, vẫn không có bất cứ thông tin nào về địa điểm nơi 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều hội đàm được tiết lộ. Hai ngày trước khi sự kiện diễn ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết Mỹ và Triều Tiên yêu cầu giữ bí mật về địa điểm diễn ra hội nghị. 

"Hãy thông cảm. Chúng tôi muốn làm trọn trách nhiệm của nước chủ nhà", ông nói. 

Chính sự cẩn trọng của Việt Nam khiến báo giới buộc phải suy đoán. Họ đưa ra những cái tên tiềm năng và rải quân tại đó. Với Reuters, họ chọn khách sạn Sofitel Metropole Legend cùng một vài địa điểm khác và may mắn số 15 phố Ngô Quyền là địa điểm diễn ra sự kiện. 

Tuy nhiên, các phóng viên của hãng thông tấn Anh nói rằng khi họ tới "đóng quân", kể cả các nhân viên của chính Metropole cũng không rõ khách sạn của họ hay Nhà khách Chính phủ mới là nơi tổ chức hội nghị. 

Video: Những phóng viên nước ngoài 'gây bão' khi đến tác nghiệp ở Việt Nam

Nhờ lựa chọn đúng địa điểm, các phóng viên của Reuters may mắn ghi lại những khoảnh khắc đắt giá như nhân viên Triều Tiên và Mỹ cùng nhau rải thảm đỏ trước khi các khu vực trọng yếu trong khách sạn bị phong tỏa, một quan chức Triều Tiên dùng điện thoại chụp ảnh lưu niệm cho đồng nghiệp đứng cách không xa nơi ông Trump và ông Kim dùng bữa tối hay một quan chức Triều Tiên mỉm cười với một quan chức Mỹ khi giới thiệu tên tiếng Hàn của một bông hoa trong vườn. 

Vào ngày thứ 2 của hội nghị, phóng viên Jeff Mason của Reuters là một trong không nhiều các phóng viên nước ngoài được nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi đáp sau khi đặt câu hỏi. 

"Tôi sẵn lòng từ bỏ nó, nếu không tôi đã không ngồi đây", ông Kim trả lời khi Mason hỏi liệu ông có sẵn lòng từ bỏ hạt nhân hay không. 

Tuy nhiên, vài giờ sau đó, mọi chuyện đi chệch lại dự đoán ban đầu về một thỏa thuận chung sẽ được kỳ kết. Nhà Trắng đột ngột thông báo hủy bữa trưa làm việc, lễ ký kết cũng không được diễn ra. 

Lịch trình họp báo của Tổng thống Trump bị đẩy lên sớm trước 2 tiếng buộc khiến tất cả các hãng tin phải dồn quân về khách sạn JW Marriott hoặc báo tin cho các phóng viên của họ có mặt tại hiện trường sẵn sàng trực chiến. 

2 ngày tiếp theo khi Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu chính thức chuyến thăm hữu nghị Việt Nam, các phóng viên vẫn luôn bám sát theo các hoạt động của ông cho tới khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lên đoàn tàu bọc thép rời Đồng Đăng, trở về quê nhà. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn