Soi sức mạnh hệ thống phòng thủ bắn 4.500 viên đạn/phút trên chiến hạm Mỹ

Thế giớiThứ Tư, 07/03/2018 07:18:00 +07:00

Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx với tốc độ bắn cực cao được coi là vũ khí chiến lược trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) cùng 2 chiến hạm hộ tống là tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và khu trục hạm tên lửa USS Wayne E. Meyer (DDG-108).

Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, còn gọi là hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS) là hệ thống vũ khí khu vực được thiết kế để sử dụng tốc độ bắn cực cao để rải đạn lên 1 khu vực nhất định, nhằm phá hủy hoặc vô hiệu hóa các mục tiêu như tên lửa hành trình chống hạm, tàu nhỏ, máy bay không người lái và thậm chí là chiến cơ bay ở độ cao thấp của đối phương.

“Phanlax là tuyến phòng thủ tầm gần, dựa trên học thuyết của Hải quân Mỹ về phòng thủ theo lớp”, phát ngôn viên của Hải quân Mỹ Dale Eng cho biết. Hệ thống vũ khí này được tranh bị cho các khu trực hạm, tuần dương hạm, tàu sân bay và tàu đổ bộ tiến công (tàu sân bay biệt kích) cùng nhiều chiến hạm khác của Hải quân Mỹ.

wp-7-7-1512567

 Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx (được phủ bạt) trên chiến hạm Mỹ hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam. (Ảnh: Tùng Đinh)

Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx được phát triển từ khoảng những năm 1970, bản thử nghiệm đầu tiên của hệ thống này được thử nghiệm trên Khu trục hạm USS King vào năm 1973, sau đó tiếp tục được cải tiến để đạt được yêu cầu về hoạt động và độ tin cậy. Đến năm 1977, mẫu thử nghiệm của hệ thống Phalanx hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra của mình, năm 1978 hệ thống này được cấp phép sản xuất hàng loạt.

Năm 1980, tàu sân bay USS Coral Sea trở thành chiến hạm đầu tiên được trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx và tới năm 1984, Hải quân Mỹ trang bị hệ thống này cho các tàu thông thường của mình.

Hệ thống Phalanx có trọng lượng 5.700 kg hoặc 6.200 kg tùy phiên bản, được trang bị pháo 6 nòng 20 mm M61 Vulcan, phiên bản Block 0 và Block 1A có độ dài nòng súng là 1.500 mm, phiên bản Block 1B có độ dài nòng súng là 2.000 mm. Pháo 20 mm trên hệ thống này hoạt động tự động hoàn toàn dưới sự giám sát của người điều khiển với tốc độ bắn lên đến 4.500 viên đạn/phút.

1000w_q95 Phalanx 02 3

 Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx trên Tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG 57) khai hỏa. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tầm hoạt động của của hệ thống Phalanx từ khoảng 2 đến 9 km, hệ thống này được thiết kế để hoạt động ít phụ thuộc vào chiến hạm nhất có thể, nhằm tránh các ảnh hưởng đến hoạt động tác chiến khi chiến hạm bị hư hại. Hệ thống này đòi hỏi nguồn cấp điện 3 pha AC 440 V với tần số 60Hz và nguồn cấp nước để làm mát các thiết bị điện tử.

Phalanx không có hệ thống nhận diện địch – ta mà chỉ sử dụng dữ liệu được thu thập theo thời gian thực từ hệ thống radar của mình để nhận diện mục tiêu trên các tiêu chí: Khoảng cách của mục tiêu so với tàu, hướng cơ động của mục tiêu có nhắm vào tàu hay không, tốc độ di chuyển của mục tiêu. Phalanx có giới hạn tốc độ tối đa, nếu mục tiêu di chuyển nhanh hơn tốc độ này, hệ thống không khai hỏa.

Video: Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx trên tàu đổ bộ tấn công USS Boxer (LHD-4) khai hỏa

Có nhiều hệ thống con khác nhau kết hợp lại để đảm bảo hoạt động cho hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, ví dụ như hệ thống kiểm soát môi trường, hệ thống truyền tin, hệ thống kiểm soát chuyển động, hệ thống kiểm soát và phân phối năng lượng... Kỹ thuật viên phải mất từ 6 đến 8 tháng để thành thục thao tác bảo dưỡng, vận hành và sửa chữa hệ thống này.

Đại diện của Hải quân Mỹ cho biết hệ thống vũ khí này đang được nâng cấp để tăng cường khả năng tác chiến và đảm bảo cho hệ thống này đủ khả năng đối mặt với những mối đe dọa đang thay đổi với tốc độ rất nhanh cũng như ngày càng trở nên phức tạp.

Hải quân Mỹ lên kế hoạch cho việc cải tiến, được gọi là "Bộ mở rộng Độ tin cậy – Khả năng duy trì – Khả dụng" nhằm duy trì hoạt động của hệ thống phòng thủ tầm gần của hạm đội trong một vài thập kỷ tới. Hiện phiên bản Phalanx 1B được trang bị cảm biến hồng ngoại hướng ra phía trước, nòng súng được tối ưu hóa và đạn tăng độ công phá để có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình chống hạm.

1000w_q95 Phalanx 03 4

 Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx  trên Khu trục hạm USS Winston S. Churchill (DDG 81). (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trong những năm gần đây, song song với việc nâng cấp hệ thống Phanlax phiên bản đời cũ lên phiên bản Block 1B, nhà sản xuất tiếp tục phát triển phiên bản mới hơn của hệ thống này là Block IB Baseline 2 với radar mới hơn. Đây là loại radar kỹ thuật số có khả năng phát hiện tốt hơn, tăng độ tin cậy cho hệ thống và giảm thời gian bảo trì hệ thống của thủ thủ đoàn.

Giới chức Hải quân Mỹ cho biết việc nâng cấp và chuyển đổi hệ thống Phalanx từ phiên bản cũ hơn sang phiên bản Block 1B dự kiến sẽ tốn 4,5 triệu USD mỗi hệ thống và bộ nâng cấp radar của phiên bản Block IB Baseline 2 có giá 931.000 USD mỗi hệ thống. Theo phát ngôn viên Dale Eng, các phiên bản Phalanx Block 1B Baseline 0 và 1 của hệ thống Phalanx sẽ được nâng cấp lên phiên bản Block 1B Baseline 2 vào năm tài chính 2019.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn