Sập tòa nhà 7 tầng, 28 người thiệt mạng: Xói mòn niềm tin người Campuchia với làn sóng đầu tư Trung Quốc

Thế giớiThứ Ba, 25/06/2019 17:15:00 +07:00

Vụ sập tòa nhà 7 tầng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng tiếp tục làm xói mòn niềm tin của người dân Campuchia với làn sóng đầu tư ồ ạt tới từ Bắc Kinh.

Sihanoukville từng là một thành phố ven biển yên bình ở Tây Nam Campuchia cho tới trước làn sóng đầu tư của Trung Quốc ồ ạt quét qua cách đây 3 năm.

Là thành phố có cảng nước sâu duy nhất ở Campuchia, Sihanoukville trở thành một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các nhà đầu tư nhanh chóng "đánh hơi" được miếng mồi ngon, nhảy vào Sihanoukville khiến nơi đây "thay da đổi thịt" chóng mặt. 

Nhưng không phải ai cũng vui với điều này, điển hình là người dân địa phương. 

Sự bất mãn này càng tăng cao sau vụ sập tòa nhà 7 tầng do chủ thầu Trung Quốc xây dựng hồi cuối tuần trước làm 28 công nhân thiệt mạng, 26 người bị thương. 

Sau thảm kịch chấn động, Campuchia bắt giữ 4 công dân Trung Quốc liên quan tới dự án. Chủ công trình bị buộc tội vô ý làm chết người. 3 người còn lại trong đó có nhà thầu và nữ giám sát viên bị kết tội đồng lõa.

cong nhan

Nhà thầu Trung Quốc liên tiếp phớt lờ các nhắc nhở tới giới chức trong quá trình xây dựng tòa nhà 7 tầng. (Ảnh: AP)  

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia hôm 24/6 kêu gọi điều tra kỹ lưỡng vụ tai nạn và sử dụng bất cứ biện pháp pháp lý cần thiết nào với những người có liên quan. 

Phát biểu tại hiện trường cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ truy tới cùng trách nhiệm của những người có liên đới. Ông đồng thời chỉ trích kịch liệt các ý kiến liên kết thảm kịch này với các nguồn đầu tư của Trung Quốc hay cáo buộc dòng đầu tư của Bắc Kinh đổ vào Sihanoukville trong những năm gần đây là "bẫy nợ". 

"Không ít lần tôi nghe thấy các cáo buộc rằng Trung Quốc tới "đô hộ" thông qua các khoản đầu tư của họ. Nhưng tôi muốn làm rõ với tất cả các bạn rằng bây giờ thế giới đang cần các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào nước họ. Chúng ta may mắn vì đã thu hút được các khoản đầu tư đó.

Tôi lên án bất cứ ý kiến nào nâng quan điểm về các khoản đầu tư của Trung Quốc để cáo buộc chính phủ trở thành con rối của Trung Quốc", ông Hun Sen nói với phóng viên và đám đông khi đứng trên đống đổ nát.  

"Những người không muốn đất nước phát triển nói rằng đó là bẫy nợ nhưng rõ ràng người dân Sihanoukville được hưởng lợi ích từ các khoản đầu tư. Khi các công trình tại đây được hoàn tất, Sihanoukville sẽ trở thành một thành phố lớn và khác xa với những gì mà mọi người nghĩ", ông Hun Sen nhấn mạnh. 

Theo ông Hun Sen, sự kiện vừa xảy ra là điều hết sức đau lòng cho dù chủ thầu là người Trung Quốc, Mỹ, Anh hay Pháp, vì vậy khi nảy sinh sự cố không nên buộc tội cho bất cứ quốc gia nào. 

Lời trấn an của ông Hun Sen không dập tắt nổi làn sóng bất mãn của những người bất đồng chính kiến và chính người dân địa phương. 

Người dân Sihanoukville phàn nàn rằng họ nhận được rất ít lợi ích từ hàng loạt nhà hàng, sòng bạc đang mọc lên nhan nhản ở Sihanoukville vốn được xây dựng để phục vụ riêng cho du khách Trung Quốc. 

Đối với các quan chức trong ngành, bi kịch cách đây 3 ngày vạch trần sự thiếu kiểm soát nghiêm trọng trong quá trình phất lên quá nhanh của Sihanoukville, đặc biệt là với các dự án vừa và nhỏ. 

Tom O'Sullivan, Giám đốc điều hành của trang web bất động sản realestate.com.hk cho biết nhiều dự án nhỏ đang cố tránh trở thành tâm điểm của sự chú ý và tìm cách đi cửa sau với các quan chức lo chuyện đất cát của địa phương. 

Giới chức tỉnh Sihanoukville cho biết tòa nhà bị sập được xây dựng trái phép và nhà thầu đã bị tuýt còi tới 2 lần nhưng vẫn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở. Tuy nhiên khẳng định này làm dấy lên thắc mắc: Vì sao bị đưa vào tầm ngắm mà nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể thi công công trình này tới mức gần hoàn thiện? Nếu không xảy ra thảm kịch hôm 22/6, có lẽ nó vẫn sẽ an ổn yên vị tại đó. 

Một số người đặt nghi vấn về những khuất tất trong trường hợp này đặt trong bối cảnh Campuchia nổi lên như một đất nước nổi tiếng về tham nhũng trong xây dựng. 

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2016 về kinh doanh tại Campuchia, 87% trong số 373 công ty đã dùng tiền hối lộ trong quá trình xin giấy phép xây dựng

Ông Sok Kin, Chủ tịch Liên đoàn gỗ và công nhân gỗ Campuchia nói rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được. 

"Năng lực kiểm soát người nước ngoài kinh doanh tại Campuchia đang ở đâu?", ông đặt câu hỏi, đồng thời kêu gọi các bên liên quan phải có trách nhiệm trong vấn đề này. 

Phát biểu tại hiện trường, một quan chức tỉnh cho biết các bức ảnh chụp tòa nhà trước khi sập cho thấy nó sử dụng các vật liệu chất lượng thấp và phải dùng tới vật chống. 

"Họ đã cố gắng làm mọi cách để tiết kiệm tiền", ông này cho hay. 

Giới chức Campuchia cho biết đã cử một đội tới điều tra chất lượng của các tòa nhà đang được xây dựng ở Sihanoukville.

Phát biểu khi theo dõi lực lượng cứu hộ triển khai công tác tìm kiếm hôm 24/5, Chung Veasna, một nhà quản lý xây dựng cho biết, ông đã làm việc với một số công trình xung quanh Sihanoukville và ước tính có khoảng 30% công trình xây dựng trong thành phố sử dụng vật liệu với chất lượng thấp tương tự. 

"Nếu nó đã xảy ra một lần. Nó có thể xảy ra thêm lần nữa", ông cảnh báo. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn