Phớt lờ cảnh báo trừng phạt từ Mỹ, quốc gia này tiếp tục thương vụ mua S-400 của Nga

Thế giớiThứ Sáu, 28/09/2018 07:51:00 +07:00

Chính phủ Ấn Độ mới đây thông qua một đề xuất mua lại hệ thống phòng không S-400 Triumf có trị giá 5,43 tỷ USD, bất chấp cảnh báo trừng phạt các quốc gia giao dịch vũ khí với Nga của Mỹ.

Theo Times of India, Ủy ban Nội các về An ninh do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu đã làm rõ vấn đề này vào hôm 26/8. Động thái này diễn ra ngay trước chuyến công du tới quốc gia Nam Á của Tổng thống Putin vào tháng 10 tới. 

Không quân Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên trong vòng 24 tháng sau khi hợp đồng được ký kết. Phần còn lại sẽ được chuyển tới New Delhi trong vòng 4-5 năm tới. 

Theo RT, Ấn Độ sẽ phải trả 15% trên tổng chi phí của hợp đồng trong khi khoản còn lại sẽ liên quan tới việc chuyển giao các hệ thống. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa ấn định thời gian chính xác ký kết thỏa thuận này với Nga. 

5bacffb4fc7e932e518b45e6

 Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga. (Ảnh: Reuters)

S-400 Triumf hiện là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga được thiết kế nhằm tiêu diệt tất cả các loại vũ khí hiện đại ở tầm trung và tầm xa, bao gồm tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. S-400 có khả năng ngăn chặn các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 600 km, bắn hạ mục tiêu trong phạm vi 400 km và ở độ cao lên tới 30 km. Khả năng tấn công của S-400 Triumf hoàn toàn vượt trội so với hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, với tốc độ tấn công mục tiêu nhanh gấp hai lần, phạm vi hoạt động mở rộng hơn.

Theo RT, Ấn Độ dường như đã gạt bỏ các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn các thương vụ mua bán vũ khí của các quốc gia khác với Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).

Nhưng giới quan sát cho rằng Ấn Độ sẵn sàng bỏ qua cảnh báo từ Mỹ xuất phát từ khẳng định của Washington rằng, sẽ không tìm cách trừng phạt Ấn Độ vì mua hệ thống tên lửa của Nga được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong chuyến thăm tới Ấn Độ đầu tháng 9.  

Tuần trước, Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt lên một cơ quan quân sự Trung Quốc vì mua máy bay Sukhoi Su-35 và hệ thống S-400 của Nga. 

Video: Sức mạnh hủy diệt của hệ thống phòng không S-400 

Trong khi Washington nhấn mạnh động thái này nhắm vào Nga, Bắc Kinh gọi hành động của Mỹ là biểu hiện quyền bá chủ trắng trợn và kêu gọi Mỹ rút ngay lệnh trừng phạt. "Nếu không Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả". Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. 

Trung Quốc là "nạn nhân" đầu tiên theo CAATSA, nhưng trước đó, Mỹ đã bất đồng với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tỏ ra ý muốn sở hữu hệ thống phòng không tối tân của Nga và trên thực tế một bản hợp đồng đã được ký kết. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn