Ông Johnson bị đánh bại: Quốc hội Anh bỏ phiếu chống Brexit không thỏa thuận

Thế giớiThứ Tư, 04/09/2019 18:21:00 +07:00

Thủ tướng Anh đang bị nhốt trong cái bẫy của chính ông, nơi mà ông sẽ khó lòng thoát ra được, - theo tờ Liberation.

Ông Boris Johnson, người chỉ mới lần thứ hai phát biểu tại Hạ viện với tư cách là Thủ tướng Anh, đã phải chịu một thất bại đau đớn trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội đầu tiên - theo ấn phẩm Liberation. 328 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận, trong khi chỉ có 301 lá phiếu ủng hộ. Theo đó, Hạ viện sẽ nắm quyền kiểm soát tiến trình Brexit - thứ vốn nằm trong tay của Chính phủ Anh.

Chiến thắng này sẽ cho phép Hạ viện đưa ra dự luật ngăn chặn Brexit mà không có thỏa thuận. Nếu được thông qua, ông Johnson hoặc một người đứng đầu chính phủ khác sẽ phải yêu cầu EU gia hạn Điều 50 cho đến cuối tháng 1/2020, nếu các nghị sĩ không thể phê chuẩn thỏa thuận với EU cho đến giữa tháng 10. Theo Liberation, với tỷ lệ phiếu như vậy, không còn nghi ngờ gì về việc dự thảo này sẽ được thông qua.

Theo tờ báo Pháp, để đáp lại động thái trên của quốc hội, ông Johnson tuyên bố ý định tổ chức cuộc bầu cử sớm vào ngày 14 hoặc 15/10. “Người dân của đất nước cần phải đưa ra lựa chọn” - Thủ tướng Anh cho biết. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập, ông Jeremy Corbin, lại hoan nghênh chế độ đại nghị dân chủ, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh rằng ông Johnson sẽ phải thông qua dự luật chống Brexit không thỏa thuận trước cuộc bầu cử.

1

Thủ tướng Anh đang bị nhốt trong cái bẫy của chính ông - nơi mà ông sẽ khó lòng thoát ra được. (Ảnh: Reuters)

Sau khi được phê chuẩn tại Hạ viện, dự luật phải có được sự thấp thuận tại Thượng viện, và sau đó là con dấu của Nữ hoàng Elizabeth II – điều chỉ mang tính hình thức. Về lý thuyết, ông Johnson vẫn có thể ngăn chặn được dự luật nếu chính phủ của ông thuyết phục được Nữ hoàng không đồng ý. Nhưng đây là điều chưa từng có và do đó khó có thể xảy ra.

Ngoài ra, Thủ tướng Anh còn phải đối mặt với luật về bầu cử Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ chỉ được tổ chức 5 năm một lần, nếu như một nửa số nghị sĩ (434 người) không chấp thuận sáng kiến bầu cử sớm. Vấn đề là ở chỗ Quốc hội cũng không mấy ưa quyết định đình chỉ công việc của ông Johnson đối với cơ quan lập pháp này từ ngày 9/9 đến ngày 14/10.

Động thái đầy tính toán này của ông Johnson, theo tờ Daily Telegraph, đã được hình thành từ giữa tháng 8. Nó được coi là một nỗ lực để ngăn chặn bất kỳ tranh cãi nào xung quanh Brexit và cho phép nước này rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận, trong khi một cuộc bầu cử trước thềm 31/10 cũng sẽ khó lòng mang lại khả năng ký kết thỏa thuận vào phút cuối.

Do đó, Đảng Lao động, Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Quốc gia Scotland vào hôm thứ Ba tuyên bố rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho cuộc bầu cử sớm trừ khi dự luật không cho phép Brexit không thỏa thuận được thông qua. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng Hạ viện Anh chứng minh được sự gắn kết và thống nhất chưa từng có. Nhờ sự thành công của chiến lược được phát triển bí mật bởi liên minh của tất cả các đảng đối lập, cuối cùng họ đã tìm cách “hòa nhịp” và nhốt tân Thủ tướng trong cái bẫy của chính ông – nơi mà ông sẽ khó lòng thoát ra được.

Tuy nhiên, ông Johnson cũng kịp phát đi thông điệp cảnh báo của mình, khi mà có đến 21 nghị sĩ bị khai trừ khỏi Đảng Bảo thủ vì dám phản kháng và bỏ phiếu chống lại ông. Trong số đó có nhiều cựu Bộ trưởng, như Philip Hammond – cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời bà May. Việc ra đi của họ sẽ làm mất đi bản sắc lịch sử của Đảng Bảo thủ - mà theo Liberation, đang dần trở thành một bản sao Đảng Brexit của Nigel Farage.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn