Những thách thức nào đang chờ đợi tân Tổng thống Donald Trump?

Thế giớiThứ Năm, 10/11/2016 07:41:00 +07:00

Dù còn đang say trong men chiến thắng, Donald Trump sẽ không có quá nhiều thời gian để ăn mừng bởi trước mắt tân Tổng thống Mỹ sẽ là rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi.

Theo CNN, bên cạnh những vấn đề trong nước cần phải giải quyết như biến đổi khí hậu, bài toán nhập cư, chiến trang mạng, ông Trump sẽ phải mất không ít sức lực và tinh thần để xoay xở với Triều Tiên, Trung Đông, Trung Quốc và đặc biệt là một Nga vốn từ lâu vẫn đang có quan hệ 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt'.

Triều Tiên      

“Triều Tiên chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền mới”, Victor Cha, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế và là cựu cố vấn của Tổng thống George W.Bush về vấn đề Triều Tiên nhận định.

1

Triều Tiên sẽ là một bài toàn khó đối với chính quyền Trump 

Với vụ thử hạt nhân thứ 5 trong tháng 9, Bình Nhưỡng đang cho thấy họ vẫn sẽ bất chấp mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế để theo đuổi giấc mơ hạt nhân của mình.

Theo ông Cha thoạt nhìn đây có vẻ chỉ giống như một chiêu 'rung cây dọa khỉ' nữa của Bình Nhưỡng nhưng sự thật là động thái mới này của Triều Tiên đang làm mọi chuyện tệ đi nhiều so với cách đây 8 năm, thời điểm ông Bush còn đương nhiệm.

Vì vậy, chuyên gia này cũng cho rằng đã đến lúc chính quyền mới cần mạnh tay hơn, thực hiện những chính sách quyết định, chẳng hạn như việc xử phạt các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên hay thay đổi các chính sách về phòng thủ tên lửa.

Trung Quốc

Theo CNN, một lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, người láng giềng và là đồng mình thân cận của Bắc Kinh thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy không vui.

Vì vậy, nếu Washington muốn làm tới cùng, Trump và các cộng sự của mình phải chuẩn bị tinh thần cho mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục có những động thái ngang ngược với ý định quân sự hóa Biển Động trong khi Washington vẫn khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở khu vực này được cho là một thách thức không nhỏ đối với ông chủ mới của Nhà Trắng. 

Đây sẽ là một vấn đề khó với Trump khi Trung Quốc bấy lâu nay vẫn cho rằng 'đây đang là thời đại của họ'.

Quan hệ Nga-Mỹ

Quan hệ Nga - Mỹ đang rơi vào những ngày tháng ảm đạm nhất trong 8 năm qua sau hàng loạt những bất đồng về việc Nga sáp nhập Crưm, xung đột ở miền Đông Ukraine, nội chiến ở Syria và mới đây nhất là tranh cãi về vấn đề có hay không chuyện Matxcơva nhúng tay vào cuộc bầu cử Mỹ.

Bên cạnh đó, động thái triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo mới và tên lửa hạt nhân tới Kaliningrad, khu vực giáp ranh với Ba Lan và Litva, hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Nga cũng được cho là đang làm mối quan hệ vốn đã khó có thể khởi sắc giữa hai bên càng thêm xấu.  

putin-va-trump-ai-than-tuong-ai

 Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ chắc chắn sẽ có những thay đổi đáng kể sau khi Trump đắc cử

“Một năm trước, tôi từng cho rằng đây có thể là thời điểm mà quan hệ hai bên xấu nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng xét ở hiện tại, nó thậm chí còn tồi tệ hơn”, bà Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ châu Âu, Nga và Đông Âu thuộc Đại học Georgetown nhận định. 

Trong khi đó, ông Matt Rojanksy, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm nghiên cứu Wilson cảnh báo rằng nếu căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng, chính quyền Trump sẽ còn rất nhiều việc phải làm khi mà Nga đang tìm cách lôi kéo các nước vốn là đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi quan hệ với Washington trong khu vực đang xấu đi trông thấy.

Quen với một Trung Đông lộn xộn

Trong một khoảng thời gian ngắn, tân tổng thống sẽ phải làm quen với 'mớ hỗn độn' ở Trung Đông mà tổng thống tiền nhiệm chưa giải quyết xong.

Video: Toàn cảnh chiến thắng ngoạn mục của Donald Trump 

“Đây sẽ là một vấn đề khiến ông ấy phải đau đầu”, ông James Robert Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định và cho rằng mối quan hệ của Mỹ tại khu vực này trong 8 năm qua đã thay đổi sâu sắc.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ tại đây cũng không tán thành chính sách ở Syria và quyết định không thực thi một 'đường giới hạn đỏ' về việc sử dụng vũ khí hóa học của Tổng thống Obama khi Damascus đã bước qua lằn ranh đó. 

Cùng với đó, mối quan hệ đang có chiều hướng xấu đi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành ở Ankara hồi tháng 7 cũng sẽ là một vấn đề khiến Tổng tư lệnh tương lai của nước Mỹ Donald Trump phải lưu tâm thời gian tới.

“Tại thời điểm này, Mỹ đang thiếu đi bạn bè truyền thống, còn kẻ thù truyền thống lại đang có dấu hiệu gia tăng”, ông Aaron David Miller, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Wilson chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề giải quyết, gỡ bỏ khúc mắc xoay quanh các mối quan hệ với các nước ở Trung Đông, ưu tiên nữa và cũng là trọng tâm của Mỹ ở khu vực này là chiến dịch chống IS.

Theo ông Miller, khi các nhóm chiến binh IS cuối cùng bị đánh đuổi ra khỏi thành trì của chúng ở Iran và Syria, chúng có thể sẽ thành lập ra một tổ chức khác dù không nguy hiểm như IS nhưng cũng sẽ là mối đe dọa đến an ninh toàn cầu.

Vì vậy, với cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump cần có những quyết sách cụ thể và những chiến lược dài hạn để 'nhổ tận gốc' lực lượng này.

Song Hy (Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn