Những kịch bản Anh sẽ phải đối mặt sau khi thỏa thuận Brexit thất bại

Thế giớiThứ Tư, 16/01/2019 15:39:00 +07:00

Sau khi các nghị sĩ Anh từ chối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May vào ngày 15/1, kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ, câu hỏi cần đặt ra là những gì có thể xảy đến tiếp theo.

Theo Channel News Asia, có 3 kịch bản chính có thể đến với nước Anh khi thời gian đếm ngược đến ngày 29/3/2019 - thời điểm Anh dự định rời Liên minh châu Âu sau 46 năm.

theresa-may

 Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AP)

Bỏ phiếu lại

Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU nói rằng thỏa thuận của họ là sự thỏa hiệp tốt nhất hiện có, và dù gặp thất bại lịch sử trước Quốc hội, bà May hồi tháng 5/2018 từng nói đây là lựa chọn duy nhất.

Trong khi đó, các thành viên đảng Bảo thủ của bà nói rằng thỏa thuận này giữ Anh quá gần EU, còn các đảng đối lập nói thỏa thuận không bảo vệ được mối quan hệ kinh tế với khối.

Ngày 15/1, bà May cảnh báo không có "thỏa thuận thay thế" nào từ EU nhưng bà nói sẵn sàng thảo luận về ý tưởng với các nghị sĩ "có thể thương lượng thực sự" và có thể "tìm hiểu cùng với Liên minh châu Âu".

Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox trước đó đã nói với các nghị sĩ rằng thỏa thuận Brexit "sẽ phải trở lại dưới hình thức tương tự và phần nhiều nội dung tương tự". Không có gì ngăn cản chính phủ đưa thỏa thuận tương tự trở lại hết lần này đến lần khác cho đến khi hoặc được các nghị sỹ chấp nhận, hoặc bà May bị loại ra.

Brexit không thỏa thuận

Điều này được coi là kịch bản không khác gì "ngày tận thế" có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế ở Anh và làm chậm đáng kể sự tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu. Đáng chú ý đây lại là tùy chọn mặc định nếu quốc hội Anh tiếp tục bỏ phiếu chống lại thỏa thuận và không có giải pháp nào khác trước ngày 29/3.

Thỏa thuận của bà May đã muốn giữ các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ năm của thế giới và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó gần như không thay đổi cho giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020. Sự thay đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác nhau sẽ tác động đến hầu hết mọi thành phần kinh tế - và có thể thấy chi phí của các sản phẩm hàng ngày ở Anh tăng lên cũng như tạo ra sự gián đoạn tại các trung tâm hậu cần như cảng biển.

Chính phủ Anh đã chuẩn bị cho khả năng không có thỏa thuận trong vài tuần qua.

Trưng cầu dân ý

Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác kể từ khi chiến dịch Leave (Rời khỏi) chiến thắng với 52 so với 48% trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, và nhu cầu đã tăng lên trong những tháng gần đây.

Không có luật nào ngăn cản Anh làm lại từ đầu, nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu việc này có dân chủ hay không. Trưng cầu cũng đe dọa sẽ gây chia rẽ, với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đất nước vẫn đang chưa thống nhất ý kiến về vấn đề này.

Bà May đã cảnh báo một cuộc bỏ phiếu khác "sẽ làm thiệt hại không thể khắc phục đối với tính toàn vẹn chính trị của chúng ta". Bước đầu tiên trong quá trình này sẽ là kéo dài ngày rời đi của Anh, mặc dù các nhà ngoại giao EU cảnh báo thời hạn sẽ chỉ dài thêm một vài tháng.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn