Những chiến hạm nước ngoài đầu tiên tới Cam Ranh cách đây 111 năm

Thế giớiThứ Bảy, 13/08/2016 10:00:00 +07:00

Trong vài thập kỷ trở lại đây, người ta thường nói và viết rất nhiều về Vịnh Cam Ranh như một căn cứ quân sự từng được Mỹ rồi đến Liên Xô sử dụng và giờ đây là vị trí để triển khai hạm đội tàu ngầm của Việt Nam do Nga sản xuất.

Nhưng không mấy ai biết rằng, lần đầu tiên Cam Ranh trở thành bến đỗ của một hạm đội quân sự là vào năm 1905. Đó là các tàu thuộc Hải đội Thái Binh Dương II của Đế chế Nga. 

Thời điểm đó, cuộc chiến tranh Nga-Nhật đang diễn ra hết sức ác liệt. Hải đoàn này rời các cảng của Nga trên biển Baltic, di chuyển qua châu Âu và châu Phi, xuyên qua Ấn Độ Dương trước khi hướng tới sân khấu chiến sự trong vùng biển Nhật Bản.

2265068

Các tàu thuộc Hải đội Thái Binh Dương II của Đế chế Nga là hải đội tàu chiến nước ngoài đầu tiên tới Cam Ranh

Ngày 31/3/1905, hải đoàn của Nga ghé vào vịnh Cam Ranh lấy than. Các thủy thủ mua lương thực được thương nhân Pháp và Việt chở đến bằng ghe bầu. Thường thì người Việt Nam chào giá “mềm” hơn, theo nhà sử học Maxim Syunnerberg.

“Vì vậy, họ là những vị khách được các thủy thủ chào đón. Họ không bị cấm lên tàu, Một chiếc ghe bầu như vậy chở tới 3 người Việt. Giống như những thương nhân khác, họ lên tàu Nga để rao hàng. Khi ấy ở Việt Nam, họ đã là những người nổi tiếng và sau này tên tuổi họ đi vào lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc. Đó là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp. Mùa xuân năm 1905, ba người thực hiện hành trình khắp phía Nam”, nhà sử học này kể lại.

Nói về những năm tháng này, Huỳnh Thúc Kháng có viết trong cuốn hồi ký của mình: “Khi đi ngang qua Nha Trang, chúng tôi có nghe nói về hải đoàn Nga đang dừng ở Cam Ranh. Vì vậy, chúng tôi quyết định đóng giả làm thương nhân thu mua trứng gà, rau quả, trái cây, sau đó thuê một con thuyền cá và leo lên một con tàu. Cuối cùng thì chúng tôi cũng làm được điều đó."

Nhà sử học Maxim Syunnerberg cho rằng, có lẽ chính Phan Chu Trinh là người khởi xướng ra chuyến thăm này bởi lẽ trong suốt cuộc đời của mình, ông thường hành động với phương châm "không vào hang cọp, sao bắt được cọp."

Kỳ vọng về một sự cải cách triệt để ở Việt Nam, ông nỗ lực làm quen với đời sống của các nước tiên tiến vào thời điểm đó. Phan Chu Trinh tới Nhật Bản để quan sát những thay đổi của đất nước mặt trời mọc sau cuộc cách mạng Minh Trị, đến Pháp để tìm hiểu về nền văn minh công nghiệp. Vì vậy, rất có thể chính ông đã đề xuất thăm tàu tuần dương Nga để có thể phác thảo hình dung ban đầu, dù hời hợt về quốc gia này.

Vào ngày thứ mười hai đậu ở Cam Ranh, đô đốc người Pháp thông báo với ban chỉ huy Nga yêu cầu các tàu phải rời khỏi lãnh hải thuộc địa Pháp.

Nhà chức trách lo ngại rằng, với việc cho phép các tàu Nga đậu ở Việt Nam, Nhật Bản sẽ cáo buộc họ vi phạm tính trung lập với hai bên tham chiến mà Pháp đã công bố.

Sau các cuộc đàm phán giữa Nga và Pháp, hải đoàn được tiếp tục lấy hàng trong vịnh Vân Phong. Nhưng chẳng bao lâu, một tàu tuần dương Pháp lại xuất hiện, người chỉ huy thông báo rằng sự hiếu khách kết thúc. 

Đội tàu này đậu thêm 4 ngày ở Hòn Lớn, hoàn thành việc bốc than và sửa chữa. Ngày 1/5/1905, họ rời hải phận Việt Nam và quay ra biển.

Video: Chạy thử tàu ngầm Hoàng Sa

Hải đoàn hướng tới đảo Tsushima trong vùng biển Nhật Bản, nơi đã chứng kiến bi kịch của hạm đội Nga. Phía Nhật Bản có số tàu nhiều gấp ba lần tàu Nga, vượt trội về tốc độ di chuyển cũng như tốc độ bắn pháo.

Rất ít tàu Nga khi đó còn sống sót. Một trong số đó là tuần dương hạm Avrora. Năm 1917, Avrora trở thành một biểu tượng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. 40 năm sau, người Nga phục thù thất bại ở Tsushima bằng cách đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Song Hy (Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn