Những bí ẩn xung quanh điệp viên CIA trong vỏ bọc quan chức chính phủ Nga

Thế giớiThứ Tư, 11/09/2019 15:52:00 +07:00

Truyền thông Nga chỉ rõ tên điệp viên này, trong khi người Mỹ thậm chí còn đến gõ tận cửa nhà ông ta nhưng còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh nhân vật này.

Câu chuyện về điệp viên Mỹ, người được cho là đã tiếp cận với tổng thống Nga, hiện vẫn đang tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo Nga và quốc tế. Các phương tiện truyền thông Nga gọi ra tên của viên điệp viên này, trong khi người Mỹ thậm chí còn đến gõ tận cửa nhà ông ta.

Điện Kremlin trả lời một cách lảng tránh, nhưng cũng không phủ nhận trực tiếp thông tin. Cách tiếp cận đó khác với Bộ Ngoại giao Mỹ: người đứng đầu cơ quan này, ông Mike Pompeo, gọi thông tin mà báo chí đưa là “không chính xác”.

Thỏi vàng của Cơ quan tình báo Mỹ”; “một trong những điệp viên cấp cao nhất của tình báo Mỹ tại Nga”; “một điệp viên có khả năng cung cấp ảnh chụp các tài liệu trên bàn của nhà lãnh đạo Nga” – đó là những dòng chữ mà các ấn phẩm phương Tây dùng để mô tả về điệp viên Mỹ. Kênh truyền hình CNN thậm chí còn đặc biệt nhấn mạnh về quyết định che giấu một phần thông tin.

Theo tờ The New York Times, nhân vật này đã được tuyển dụng “từ thập kỷ trước”, sau đó được tình báo Mỹ “đào tạo” kỹ càng. Kết quả là, ông ta đã có được một vị trí trong Điện Kremlin và trong một thời gian dài được quyền tiếp cận với những quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Nga.

1

Oleg Smolenkov có phải là điệp viên CIA cài vào Kremlin? (Ảnh: Reuters)

Phóng viên phụ trách mảng an ninh quốc gia của CNN Jim Sciutto nói: “Vào cuối nhiệm kỳ Obama (cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - BD), vài tháng trước khi ông Donald Trump nhậm chức, các quan chức tình báo đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của điệp viên này cùng các điệp viên Mỹ khác ở Nga, vì muốn tính đến sự hợp tác lâu dài của họ với Mỹ. Một nguồn tin cấp cao đã thông báo cho tôi biết về điều này. Mối lo ngại gia tăng vào đầu năm 2017, khi tình báo Mỹ công bố báo cáo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, trong đó nói về quyết định triển khai chiến dịch của đích danh ông Putin. Phần bí mật của báo cáo đã được đệ trình lên chính quyền Trump. Kết hợp với nhiều nguồn tin và phương pháp tác nghiệp khác, chúng tôi đi đến kết luận này.

Theo CNN, một trong những lý do chính cho cái gọi là "sơ tán điệp viên khẩn cấp" vào năm 2017 là nỗi sợ của tình báo Mỹ về sự rò rỉ từ chính quyền Trump. Kênh truyền hình Mỹ dẫn dắt ví dụ: trong chuyến thăm của ông Sergei Lavrov đến Nhà Trắng, ông Trump được cho là đã tiết lộ thông tin tình báo của Israel về IS với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga; Hay trong cuộc trò chuyện riêng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga ở Humburg, phiên dịch viên đã phải hủy bỏ phần ghi chép của mình.

Nếu điệp viên thực sự tồn tại, nhưng không có quyền tiếp cận trực tiếp với Vladimir Putin như tuyên bố của Kremlin, vậy ông ta có thể tiếp cận với những thông tin nào? Nhà phân tích chính trị Valery Solovey nhận định:

Hiển nhiên là có sự tiếp cận với các văn bản giấy tờ lưu hành nội bộ. Tiếp cận với những người khác và nghe lén. Nơi đó là một tập thể có sự liên lạc rất chặt chẽ và gắn kết. Nếu bạn có đôi tai và một mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, bạn có thể nhận thức được những vấn đề rất nhạy cảm. Xét cho cùng, đây là chính quyền tổng thống và không ai nghĩ có tồn tại tình báo. Cho nên sẽ không có sự giữ bí mật với nhau. Nhờ đó, ông ta (- điệp viên) sẽ biết được rất nhiều thứ.

Tên của điệp viên này cũng đã được truyền thông Nga gọi ra. Theo tờ Kommersant, người cung cấp thông tin cho Washington trong Điện Kremlin chính là một Oleg Smolenkov nào đó. Ông ta 50 tuổi và đã làm việc trong các cơ quan chính phủ từ cuối những năm 1990: đầu tiên là ở các ban ngành của Bộ Ngoại giao, sau đó là thư ký thứ hai tại Đại sứ quán Nga ở Washington, và rất có thể đã bị tình báo Mỹ tuyển dụng vào chính khoảng thời gian đó.

Người đứng đầu phái đoàn ngoại giao lúc đó là Yuri Ushakov, hiện là trợ lý của tổng thống về các vấn đề quốc tế. Theo tờ báo Nga, vào cuối những năm 2000, Smolenkov trở về Matxcơva, chẳng mấy chốc đã vươn lên hàng ngũ cố vấn nhà nước hạng ba và làm việc trong bộ phận chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống.

Theo Kommersant, năm 2017, Smolenkov cùng gia đình đi nghỉ ở Montenegro và biến mất không một dấu vết. Bình luận về vấn đề này, cựu sĩ quan tình báo Alexander Mikhailov, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng, cho biết:

Một người làm việc trong chính quyền tổng thống liệu có thể ra nước ngoài một cách hợp pháp không? Có thể. Hơn nữa, chắc chắn có thể nói, người cho phép ông ta đi ra nước ngoài là lãnh đạo quản lý trực tiếp. Chúng ta cần phải đánh giá xem liệu ông ta có quyền tiếp cận với những thông tin mật mà kẻ thù quan tâm hay không? Và nếu ông ta có, vậy tại sao lại đưa hộ chiếu để ông ta ra nước ngoài? Dĩ nhiên, câu hỏi đặt ra là: Một sĩ quan cảnh sát giao thông bình thường cũng không có quyền ra nước ngoài, vậy lý do gì mà một cựu quan chức có quyền tiếp cận với các bí mật quốc gia lại đột nhiên được rời đi một cách thoải mái và biến mất mà không xác định được tung tích?

Theo The New York Times, sau khi được rút khỏi Nga, Smolenkov được chính quyền Mỹ cấp cho một căn nhà như là “phần thưởng cho sự cống hiến lâu dài với tình báo Mỹ”. Kommersant cũng khẳng định đã tìm thấy một ngôi nhà được đứng tên Oleg và Antonina Smilenkov. Đó là một biệt thự 3 tầng rộng 760 m2 với 6 phòng ngủ và 6 phòng tắm ở Virginia.

Khi các phóng viên của NBC News cố gắng đến kiểm tra xem liệu cựu quan chức chính quyền tổng thống Nga có sống ở đó hay không, ngay lập tức xuất hiện những người mặc đồ dân sự tự xưng là bạn của chủ nhà, ngăn cản họ.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn