Nghẹt thở trận so tài sinh tử giữa hai huyền thoại bắn tỉa thế giới

Thế giớiThứ Sáu, 23/11/2018 07:16:00 +07:00

Cuộc so tài kịch tính giữa huyền thoại bắn tỉa Liên Xô Vasily Zaitsev với đối thủ tới từ Đức - Thiếu tá Erwin Konig cho đến nay vẫn được nhắc đến như cuộc đấu súng vĩ đại nhất trong lịch sử.

Vasily Zaitsev là một trong những tượng đài xạ thủ bắn tỉa cừ khôi nhất mọi thời đại nhờ thành tích đoạt mạng 400 tên phát xít Đức trong suốt Thế chiến II. Vasily trở thành cơn ác mộng với quân Đức quốc xã mỗi lần ông xuất đầu lộ diện. 

Với thành tích này, Vasily trở thành “độc cô cầu bại” thời điểm bấy giờ cho tới khi Thiếu tá Erwin Konig, viên thiếu tướng được Bộ tư lệnh tối cao phát xít Đức phái tới Stalingrad để hạ gục Vasily xuất hiện. 

zaitsev-0737171

 Huyền thoại bắn tỉa của Liên Xô Vasily Zaitsev.

Trong suốt 2 tháng đối đầu kể từ tháng 11/1942 đến tháng 1/1943, thời điểm diễn ra trận Staligard lịch sử, 2 tay bắn tỉa cự phách đã chạm trán không ít lần nhưng đều bất phân thắng bại. 

Chỉ cho tới ngày 3/1/1942 trong một buổi chiều ở Stalingrad, trận quyết đấu sinh tử mới gọi tên được người chiến thắng. 

Với cả hai, cuộc chiến không chỉ là cuộc đấu giữa hai tay bắn tải giỏi nhất mà là còn là cuộc đấu trí giữa Hồng quân và quân Đức quốc xã, giữa một xạ thủ Liên Xô từng đoạt mạng 400 người và người đứng đầu trường bắn tỉa của quân đội Đức ở Berlin. 

Màn đấu trí cân não, một mất một còn này được mô tả sinh động trong cuốn tự truyện của tay bắn tỉa huyền thoại Liên Xô. 

Ở cuốn tự truyện, Vasily thuật lại sinh động quá trình từ khi nghiên cứu địa hình cho tới khi phát hiện, đánh lạc hướng và đoạt mạng đối thủ. Để làm được điều này, Zaitsev phải cùng người đồng đội Kulikov gài bẫy, kiên nhẫn chờ thiếu tá Konig lộ sơ hở. 

“Tôi chẳng biết hắn trốn ở đâu nên đành nằm chờ để hắn lộ vị trí. Nhưng Konig rất thông minh, hắn không có bất cứ hành động nào sơ hở. 3 ngày ở Stalingrad với tôi dài như 3 năm vậy”. Nhưng rồi cơ hội đã đến với tay bắn tỉa của Liên Xô đúng vào lúc ông có chút nản chí.

“Hôm ấy chúng tôi quyết định án binh bất động cả buổi sáng bởi ánh sáng phản chiếu trên ống ngắm có thể khiến chúng tôi bị lộ. Đến buổi chiều thế trận đảo ngược khi chúng tôi ở trong bóng râm trong khi ánh sáng mặt trời chiếu thằng vào vị trí mà kẻ địch ẩn náu.

Khi đó, tôi bất chợt thấy một cái gì đó lóe lên bên cạnh tấm tôn. Đó có thể chỉ là tấm thủy tinh nhưng cũng có thể chính là kính ngắm của đối thủ", Vasily thuật lại. 

Tới lúc này, Vasily ra hiệu cho đồng đội nâng chiếc mũ sắt lên cao. Tay bắn tỉa người Đức ngay lập tức khai hỏa. Đúng như mong muốn của đối thủ, Kulikov vờ hét to, ngã xuống như thể vừa trúng đạn. 

Đó cũng là lúc Konig trả giá cho sai lầm của mình. Cho rằng đối thủ đã chết, viên thiếu tá của Đức quốc xã nhô nửa đầu ra khỏi vị trí tấm sắt mà hắn ẩn náu. Chỉ đợi có vậy, Vasily chớp lấy thời cơ, nổ phát súng quyết định kết liễu đối thủ. Màn so tài kịch tính chờ đợi trong nhiều tháng kết thúc chỉ trong một khoảnh khắc. 

Dù cân não, nghẹt thở là vậy, nhưng nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng đây có thể chỉ là một câu chuyện được thêu dệt chứ không phải là một sự kiện có thật trong lịch sử. 

Một trong số này, sử gia người Anh Frank Ellis đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong câu chuyện mà người ta vẫn nhắc đến là cuộc đấu tay đôi vĩ đại nhất trong lịch sử đối đầu bắn tỉa. 

Thứ nhất, không có tài liệu nào ghi lại thông tin về "thiếu tá Konig" hay trường bắn tỉa của quân đội Đức ở Berlin vào những năm 1942 hay 1943, thời điểm diễn ra trận Stalingrad.

Thứ 2, trong cuốn tự truyện của mình, Vasily thường ghi rất cụ thể thời gian cho mỗi sự kiện nhưng riêng cuộc đấu huyền thoại này lại không có mốc thời gian xác định. 

Thứ 3, khi kết thúc màn đấu trí cân não, Zaitsev kể rằng ông và Kulikov đã kéo cơ thể của Konig ra khỏi địa điểm diễn ra cuộc đọ súng trước khi trời tối và giao lại số tài liệu mà đối thủ mang trên người cho tổng tư lệnh quân đội. Nhưng nhà sử học Anh cho hay "chưa một nguồn tin nào cung cấp chi tiết về tài liệu này hay thừa nhận sự tồn tại của nó, ngoài cuốn tự truyện của xạ thủ Liên Xô". 

Chính những phân tích này khiến nhiều người cho rằng tay bắn tỉa cừ khôi người Liên Xô có thể đã tiêu diệt một tay súng bất kỳ của Đức Quốc xã chiều hôm ấy chứ không phải một đối thủ sừng sỏ như người ta vẫn tưởng.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn