Mỹ-Trung hài lòng với cục diện hiện tại, chưa muốn tiến tới thỏa thuận?

Thế giớiThứ Năm, 01/08/2019 16:08:00 +07:00

Diễn biến vòng đàm phán ở Thượng Hải cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hài lòng với tình hình hiện tại và không bên nào gấp rút tiến tới một thỏa thuận.

Chiều 31/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer gấp rút rời Trung Quốc sau cuộc đàm phán kéo dài chưa đầy nửa ngày với Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng phái đoàn Trung Quốc. 

Cuộc thảo luận giữa quan chức 2 bên thậm chí còn kết thúc trước 40 phút so với dự kiến, đánh dấu vòng đàm phán thứ 12 trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm. 

Trong một tuyên bố đưa ra tối muộn 31/7, Nhà Trắng cho biết phái đoàn 2 bên sẽ tiếp tục hội ngộ tại Washington vào tháng 9 tới cho vòng đàm phán tiếp theo. Cũng trong tuyên bố, Tòa Bạch Ốc khẳng định, tại Thượng Hải, 2 bên có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề buộc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan và nông sản. 

trung quoc my

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. (Ảnh: Reuters)

"Trung Quốc khẳng định lại cam kết tăng mua nông sản của Mỹ", tuyên bố nêu rõ.

Tại Trung Quốc, Tân Hoa Xã xác nhận thông tin này, cho biết 2 bên thảo luận về việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu thực tế và các điều kiện mà Washington đưa ra.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin đậm về vòng đàm phán mới, chỉ kêu gọi 2 nước nên hợp tác thay vì đối đầu và nhấn mạnh rằng đàm phán thương mại là một quá trình khó khăn, kéo dài, phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Các thông tin mơ hồ này không khiến giới quan sát bất ngờ. Trước khi vòng đàm phán tại Thượng Hải diễn ra, các chuyên gia cho rằng kể cả khi Trung Quốc cho thay đổi địa điểm đàm phán để mang lại làn gió mới cho các cuộc thương thảo, khác biệt sâu sắc giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trên hàng loạt vấn đề khiến 2 bên không đạt được nhiều tiến triển trong 2 ngày thương thảo cuối tháng 7.

Cách phái đoàn Mỹ vội vã ra sân bay rời đi ngay sau khi kết thúc đàm phán củng cố dự đoán này. Các nhà phân tích tin rằng vẫn chưa có bất cứ đột phá nào trong hành trình tìm kiếm một thỏa thuận, thậm chí khác biệt trong quan điểm giữa họ về một số vấn đề còn lớn hơn so với thời điểm đàm phán đổ bể hồi tháng 5.

“Dù đã kỳ vọng thấp nhưng tôi vẫn thấy thất vọng”, chuyên gia cấp cao David Dollar tới từ Viện Brookings cho hay. Ông Dollar cho rằng việc 2 bên tiếp tục kéo nhau tới Washington vào 2 tháng tới cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang khá bình chân trước cục diện hiện tại và không bên nào cảm thấy cần gấp rút phải tiến tới một thỏa thuận.

“Cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang hạnh phúc với tình trạng hiện tại. Các cuộc đàm phán 'nhát gừng' sẽ tiếp tục diễn ra khi cả 2 bên tìm cách ngăn căng thẳng thương mại leo thang trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020”, ông Dollar nhận định.

Theo chuyên gia này, mục tiêu chính của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới và có thể là những vòng đàm phán tới là tránh leo thang thuế quan như lời Tổng thống Trump đe dọa. Với Mỹ, Washington thừa hiểu không thể thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc trong một sớm một chiều. Cả 2 bên vì vậy đều có động cơ để kéo dài thỏa thuận đình chiến mà chưa cần gấp một thỏa thuận. 

Chuyên gia kinh tế Agedit Demarais cho rằng cuộc gặp mới đây của 2 bên chỉ là để vực dậy niềm tin đánh mất hồi tháng 5 và họ dường như đã thành công trên mặt trận này. Không còn gì hơn thế. 

Theo New York Times, giới chóp bu của Bắc Kinh không vội đi tới một thỏa thuận vào thời điểm này khi mà quan điểm "chống Mỹ" vẫn ngập tràn ở Trung Quốc. Nếu hối hả tiến tới một thỏa thuận, họ lo sợ rằng mình sẽ trở nên yếu đuối, bạc nhược dẫn tới việc phải đầu hàng trước các thế lực nước ngoài, trái ngược với hàng loạt các tuyên bố cứng rắn trước đó. 

Tờ báo Mỹ nhận định các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đã vượt ra ngoài thuế quan. Cách Mỹ xử lý với lệnh cấm mua hàng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang là một trong những quan tâm hàng đầu với Bắc Kinh. Vậy nên chừng nào Tổng thống Trump còn mập mờ về vấn đề này, Chủ tịch Tập sẽ không không lùi bước. Trong tuyên bố đưa ra hôm 30/7,  Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết chính quyền có thể sẽ đưa ra câu trả lời vào tuần tới cho các công ty đề nghị được cấp phép đặc biệt để bán hàng cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. 

Giọng điệu của Trung Quốc, từ chính phủ cho tới truyền thông hay các nhóm nghiên cứu hợp tác chặt chẽ với chính phủ, trở nên cứng rắn hơn những tuần gần đây. Một số chuyên gia cho rằng nó có thể xuất phát từ các tuyên bố của Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đang trên cơ Trung Quốc trong cuộc thương chiến khốc liệt giữa 2 bên cũng như sự tự hào của ông về nền kinh tế khỏe mạnh của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh chứng kiến mức tăng trưởng ở quý II/2019 thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.  

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn