Mỹ khó xử khi đối tác và đồng minh mua vũ khí Nga

Thế giớiThứ Tư, 18/04/2018 15:41:00 +07:00

Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson cho rằng quan hệ hợp tác giữa Washington với một số đối tác có thể bị tổn hại nếu áp dụng lệnh trừng phạt khi họ mua vũ khí từ Nga.

Đô đốc Davidson, người sắp được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói với các thượng nghị sĩ, nếu các biện pháp hạn chế liên quan đến Nga được thực thi theo đúng điều luật “Phản đối những thế lực chống lại Mỹ thông qua trừng phạt" (CAATSA) sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho quan hệ của Mỹ với các nước đối tác châu Á.

Vào tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một đạo luật "Phản đối những thế lực chống lại Mỹ thông qua trừng phạt". Theo ông, chính quyền Washington có thể áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các khách hàng của Nga trong lĩnh vực mua bán công nghệ quốc phòng và vũ khí, nếu đó là các hợp đồng lớn.

Tuy nhiên liên quan việc thực hiện đạo luật này, Đô đốc Davidson cho rằng, Washington nên hết sức thận trọng khi áp đặt lệnh trừng phạt với các đối tác, đặc biệt là đồng minh nếu không muốn đánh mất niềm tin đối ngoại và quan hệ hợp tác song phương gây dựng được với các quốc gia này.

s400_zumn

Tổ hợp phòng không S-400 tham gia  lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva.

"Nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với những quốc gia đối tác khi họ mua vũ khí và công nghệ quốc phòng của Nga, quyết định này sẽ làm mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này trở nên phức tạp, có tác động tiêu cực lên quan hệ song phương, khiến họ xa Mỹ và càng tăng sự phụ thuộc vào Nga", TASS dẫn lời ông Davidson.

Theo ông Davidson, Nga đang ngày càng hoạt động tích cực trong khu vực Châu Á, đặc biệt tăng cường hợp tác với Ấn Độ. Nga cũng đang tìm kiếm các cơ hội kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nhằm xây dựng thị trường cung cấp năng lượng và bán vũ khí.

Tuyên bố bằng văn bản của ông Davidson được đưa ra trong buổi tham vấn với các chuyên gia thuộc Ủy ban các vấn đề Vũ trang của Thượng viện Mỹ.

Vào ngày 5/4 vừa qua, tờ New York Times đưa tin Nga và Ấn Độ đang thảo luận về hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 có trị giá 6 tỷ USD.

Như vậy Ấn Độ là nước tiếp theo ra nhập vào danh sách các nước đối tác và đồng minh của Mỹ mua vũ khí chiến lược này từ Nga bao gồm Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, hai nước đồng minh NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo RT, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng chiến lược Nga Rostec từng tuyên bố “Mtaxcơva sẵn sàng bán hệ thống phòng không S-400 cho bất cứ quốc gia nào cảm thấy bất an và muốn bảo vệ không phận, kể cả Mỹ”.

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn