Luật sư Pháp: 'Nhập cư phi pháp vào châu Âu là trên đe, dưới búa'

Thế giớiThứ Hai, 04/11/2019 06:22:00 +07:00

Luật sư Bruno Kermarec xử lý rất nhiều hồ sơ liên quan đến các lao động châu Á, trong đó có nhiều người Việt.

Là người có nhiều năm thụ lý các hồ sơ liên quan đến các lao động Việt Nam gặp rắc rối về phát luật tại Pháp, luật sư Bruno Kermarec cho rằng các lao động Việt Nam không nên bất chấp tất cả để vi phạm pháp luật tại châu Âu, nhất là khi đất nước Việt Nam đang có một tương lai phát triển tươi sáng.

Nhiều năm là luật sư trong lĩnh vực luật của người nước ngoài, có mối liên hệ gia đình với Việt Nam và nói tiếng Việt một cách thành thạo, luật sư Bruno Kermarec đã và đang xử lý rất nhiều hồ sơ liên quan đến các lao động châu Á, trong đó có nhiều người Việt. Từ những vướng mắc nhỏ nhất như trục trặc khi làm thẻ cư trú, muốn gia hạn giấy phép lao động cho đến những sự vụ lớn hơn liên quan đến hình sự, luật sư Bruno Kermarec kể ông đã gặp rất nhiều mảnh đời của những lao động Việt Nam tha hương.

bruno_kermarec_dnxo

Luật sư Bruno Kermarec. 

Mỗi người có những hoàn cảnh và khó khăn riêng nhưng dù trong trường hợp nào, lời khuyên đầu tiên của luật sư Kermarec cũng đều là “phải tôn trọng pháp luật”.

Trước bi kịch vừa diễn ra ở Essex, khi có 39 người lao động thiệt mạng trong một chiếc container, tôi muốn nhắn nhủ một số điều: đầu tiên, luôn phải tôn trọng luật. Luật pháp làm ra không phải chỉ để trừng phạt mà còn để bảo vệ, vì vậy nếu rời xa con đường hợp pháp thì sẽ chỉ tự đặt mình vào hiểm nguy. Ngoài ra, châu Âu và đặc biệt là nước Pháp là xứ của luật pháp nên một khi có khó khăn, hãy lập tức cầu viện đến các cơ quan bảo vệ luật pháp hoặc các Hiệp hội dân sự, càng sớm càng tốt”, ông Kermarec nói.

 Từ kinh nghiệm của mình khi làm việc ở Toà án Paris, luật sư Kermarec cho rằng, nhập cư bất hợp pháp vào Pháp và châu Âu là việc chọn tình huống “trên đe, dưới búa”, khi một bên là sự trừng phạt của chính quyền và bên kia là sự đe doạ và khống chế của các băng nhóm tội phạm.

Luật sư Kermarec cho biết, hiện tại ở Pháp và châu Âu các đường dây tội phạm liên quan đến lao động nhập cư trái phép rất đông và phức tạp, nhưng cũng cần phải phân biệt rõ. Loại tội phạm đầu tiên là vận chuyển người trái phép, tức đưa người từ nước này sang nước kia một cách phi pháp. Đây là tình cảnh đang diễn ra bức bối tại Pháp trong nhiều năm qua, với các vụ đưa người vượt biển sang Anh tại Calais, và vụ 39 nạn nhân container là ví dụ tiêu biểu.

Loại tội phạm thứ hai, nguy hiểm hơn, đó là tội phạm buôn người, tức không chỉ đưa người phi pháp sang các nơi mà còn khống chế, bóc lột những người đó, buộc họ phải lao động nặng nhọc và đối xử một cách tệ hại. Đây là thực trạng bức xúc với nhiều lao động châu Phi nhưng cũng rất dễ đến với bất cứ lao động nước nào, đặc biệt khi người đó rơi vào tình cảnh không giấy tờ. Đây cũng là cảnh báo với việc nhiều lao động nhập cư trái phép cố tình huỷ bỏ hoặc khai báo mất giấy tờ để tránh bị trục xuất

“Nếu mất giấy tờ thì đúng là chính quyền khó mà điều tra, nhưng không phải không có giấy tờ là không bị bắt. Tại các trung tâm giam giữ ở Pháp, có rất nhiều người không có giấy tờ. Đúng là khi không rõ quốc tịch của mình thì chính quyền khó mà đuổi được nhưng như thế không phải là không có vấn đề”, ông Kermarec cho biết.

Trong nhiều trường hợp đã tư vấn, luật sư Bruno Kermarec cũng đã gặp những khách hàng Việt Nam muốn tìm cách sang Anh lao động, kể cả bằng con đường phi pháp. Tuy nhiên, ông đều thuyết phục họ từ bỏ ý định đó và khuyên nên trở về Việt Nam bởi ông cũng như nhiều đồng nghiệp của mình đều cho rằng, Việt Nam có một tương lai tươi sáng.

Tôi muốn nói thêm rằng, tương lai Việt Nam rất tốt. Đồng nghiệp của tôi cũng nghĩ rằng tương lai và sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tốt. Tôi mong những chuyện buồn như vừa qua sẽ không xảy ra”.

Quang Dũng/VOV-Paris
Bình luận
vtcnews.vn