Khám phá khẩu pháo khổng lồ của phát xít Đức trong Thế chiến II

Thế giớiThứ Tư, 09/08/2017 07:15:00 +07:00

Schwerer Gustav có lẽ là khẩu pháo lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới, nhưng không như kích cỡ của mình, 'quái vật' thép di động này của phát xít Đức lại hoàn toàn vô dụng.

Ngoài pháo Krupp K-5, ngành công nghiệp quốc phòng của Đức trong những năm 1930 còn chế tạo thành công một khẩu pháo khổng lồ mang tên Schwerer Gustav (Gustav hạng nặng) theo chỉ thị của Hitler.

Năm 1937, siêu pháo Schwerer Gustav đầu tiên ra đời. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này lên đến 67 triệu USD tính theo thời giá hiện nay.

Schwerer Gustav có nòng pháo đường kính lên đến 800 mm và chiều dài nòng pháo là 32,5 m. Khẩu pháo khổng lồ này có chiều dài 47,3 m và trọng lượng lên đến 1.350 tấn.

Siêu pháo Schwerer Gustav sử dụng 2 loại đạn là đạn nổ phân mảnh có trọng lượng 4,8 tấn với tầm bắn tối đa 48 km và đạn xuyên giáp có trọng lượng 7,1 tấn với tầm bắn tối đa 38 km.

SG-01

 Siêu pháo Schwerer Gustav của quân đội phát xít Đức.

Phải mất từ 30 đến 45 phút siêu pháo Schwerer Gustav mới có thể bắn được một phát đạn, trên thực tế mỗi ngày khẩu pháo khổng lồ này chỉ bắn được khoảng 14 viên đạn. Có 2 tiểu đoàn pháo phòng không Flak được bố trí để bảo vệ khẩu pháo này. Pháo Schwerer Gustav đòi hỏi một hệ thống đường ray đôi đặc biệt để di chuyển.

Mặc dù trùm phát xít yêu cầu Krupp hoàn thành siêu pháo Schwerer Gustav trước mùa xuân 1940 để hỗ trợ cho chiến dịch tấn công nước Pháp, nhưng những yêu cầu về kỹ thuật để tạo ra nòng pháo khổng lồ khiến cho dự án chậm tiến độ và tới năm 1941 mới hoàn thành. Quân đội phát xít chỉ sản xuất được đúng 2 siêu pháo Schwerer Gustav.

Gustav Gun 01

 Siêu pháo Schwerer Gustav đòi hỏi hệ thống đường ray đôi đặc biệt để di chuyển.

Trong khi đó, phòng tuyến Maginot của Pháp vốn là mục tiêu đầu tiên của 'quái vật' Schwerer Gustav đã thất thủ khi trên thực tế quân đội phát xít Đức chỉ cần 'đi vòng' qua phòng tuyến này và tấn công thẳng vào thủ đô Paris. Nhưng trùm phát xít đã có khẩu pháo lớn nhất thế giới và Hitler quyết định sử dụng Schwerer Gustav cho chiến dịch tấn công Liên Xô bắt đầu từ mùa hè năm 1941.

Sevastopol, thành phố cảng quan trọng tại bán đảo Crưm là mục tiêu hàng đầu của cuộc tấn công này. Thành phố này là cánh cửa của hải quân Nga đi vào Địa Trung Hải và được củng cố phòng thủ ngay từ thế kỷ thứ 19, sau khi hải quân Đế quốc Nga thất bại trong trận phòng thủ Sevastopol những năm 1854-1855.

Video: Siêu pháo Schwerer Gustav khai hỏa

Khi đó, khi quân đội phát xít tấn công Liên Xô, Sevastopol trở thành mục tiêu hoàn hảo cho Schwerer Gustav. Nhưng việc triển khai khẩu pháo khổng lồ này thực tế là một cơn ác mộng. Để vận chuyển Schwerer Gustav đến Crưm, quân đội phát xít phải sử dụng đến 25 đoàn tàu và phải huy động khoảng 3.800 người để thiết lập trận địa pháo trong 4 tuần.

Để vận hành Schwerer Gustav lại cần một đội gồm 250 pháo thủ và kỹ sư, để lắp ráp khẩu pháo này cần 1.250 người gồm kỹ sư, chuyên gia và lính bảo vệ và thời gian lắp ráp lên đến 3 ngày. Ngoài ra, khẩu pháo Schwerer Gustav chỉ bắn được 14 phát mỗi ngày, sau 300 phát bắn lại cần phải thay nòng pháo.

Gustav Gun 03 3

 Lắp đạt siêu pháo Schwerer Gustav.

Schwerer Gustav bắn tổng cộng 48 phát đạn vào Sevastopol và phần lớn đạn pháo nhắm vào các pháo đài của Liên Xô. Berlin ném ra ngoài cửa sổ hơn 1.000 tấn thép, hàng nghìn giờ lao động và hàng triệu mác chỉ cho 48 phát bắn.

Rốt cục, Schwerer Gustav lại hóa ra một sự lãng phí khủng khiếp của quân đội phát xít Đức. Dù quân đội phát xít Đức sở hữu “con quái vật” Schwerer Gustav trong tay nhưng không thể đánh chiếm được Sevastopol nhanh chóng như dự định trước đó. Thành phố cảng anh hùng Sevastopol vẫn cầm cự được gần 1 năm kể từ sau khi quân đội phát xít Đức bắt đầu tấn công vào nơi này.

Bundesarchiv_N_1603_Bild-117,_Russland,_Sewastopol,_zerstörte_Festung_Maxim_Gorki 4

Ụ pháo Obukhovskii 12/52 tại pháo đài Maxim Gorky 1, Sevastopol sau khi trúng đạn của siêu pháo Schwerer Gustav. (Ảnh: Horst Grund)

Pháo Schwerer Gustav cùng với pháo Krupp K-5 gần như là những nỗ lực cuối cùng của việc sử dụng tàu hỏa bọc thép trên chiến trường. Trong những năm sau đó, tên lửa, vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom hạng nặng thực hiện chức năng tương tự như những loại pháo đường sắt nhưng có độ cơ động, tầm hoạt động và tốc độ bắn cao hơn rất nhiều.

Nguyễn Tiến (Nguồn: National Interest)
Bình luận
vtcnews.vn