Italia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, Mỹ phản đối gay gắt

Thế giớiThứ Tư, 06/03/2019 15:08:00 +07:00

Việc Italia quyết định tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Financial Times mới đây, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italia Michele Geraci cho biết Rome đã lên kế hoạch ký kết một bản ghi nhớ hỗ trợ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc vào cuối tháng 3 này, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Italia. 

"Các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, nhưng có khả năng nó sẽ kết thúc vào đúng chuyến thăm của Chủ tịch Tập", ông Geraci nói trong cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các sản phẩm ‘Made in Italia' có thể sẽ thành công hơn khi được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới". 

vanh-dai-con-duong-1-1425036

 Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (gạch liền) và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải (gạch đứt). (Đồ họa: Bryan Christie Design/Bloomberg Markets; Nguồn: Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc) 

Động thái này của Rome ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ Mỹ. Washington cho rằng dự án của Trung Quốc không những không giúp ích cho nền kinh tế của Italia mà còn phá hủy nghiêm trọng hình ảnh của quốc gia này. 

"Chúng tôi nghi ngờ rằng liệu quyết định của Italia có mang lại bất cứ lợi ích kinh tế nào với người dân Italia hay không hay cuối cùng sẽ chỉ làm ảnh hưởng tới danh tiếng của Italia trên trường quốc tế", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis cho hay. 

Ông Marquis nói thêm rằng giới chức Mỹ đang gia tăng quan ngại về cái mà ông gọi là ảnh hưởng tiêu cực về "ngoại giao cơ sở hạ tầng của Trung Quốc", đồng thời thúc giục các đồng minh và đối tác của Washington, trong đó có Rome thúc ép Bắc Kinh điều chỉnh các nỗ lực đầu tư toàn cầu của họ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. 

Trong khi đó theo các chuyên gia, sự ủng hộ của Italia với sáng kiến Vàng đai và Con đường có thể sẽ gây chia rẽ trong nội bộ của EU khi mà nhiều quốc gia như Pháp và Đức đang cố gắng kiềm chế đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng chiến lược của các quốc gia này. 

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đang dồn rất nhiều nguồn lực cho sáng kiến Vành đai và Con đường với cam kết đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 80 quốc gia khắp các lục địa Á, Âu, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia châu Âu cáo buộc chương trình này đang tạo ra bẫy nợ cho những nước tham gia, đặc biệt là các nước nghèo và được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng chiến lược và quân sự của Bắc Kinh. 

Italia dưới thời Thủ tướng Paolo Gentiloni là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực kiềm tỏa đầu tư của Trung Quốc. Nhưng tới thời tân Thủ tướng Giuseppe Conte, Rome bắt đầu tỏ ra "ngả" về Bắc Kinh với hy vọng các nguồn đầu tư từ Trung Quốc có thể giúp đỡ Italia giải quyết các khoản nợ và mức thâm hụt vượt quá giới hạn của quốc gia này.

Lập trường này của Italia có phần đối lập với Đức, Pháp, 2 quốc gia này đang thúc đẩy các tiêu chí sàng lọc khó khăn hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Berlin và Paris muốn EU phát triển một chiến lược thống nhất hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng các mối quan ngại về việc sử dụng các thiết bị công nghệ từ các công ty Trung Quốc như Huawei. 

Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/2018 cũng từ chối ký kết bản ghi nhớ về sáng kiến "Vành đai, con đường". 

Một số quốc gia khác như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, những nơi Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tỏ ra thận trọng hơn về vấn đề này. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn