Huawei 'lộ' mối quan hệ với Triều Tiên, thu thập thông tin nhạy cảm tại Séc?

Thế giớiThứ Ba, 23/07/2019 12:08:00 +07:00

Theo các báo cáo truyền thông riêng biệt, Huawei giúp Triều Tiên xây dựng mạng lưới không dây và thu thập dữ liệu nhạy cảm ở Séc về trụ sở chính.

Huawei Technologies đang phải đối mặt với hai "quả bom" mới khi bị cáo buộc có các hoạt động bất hợp pháp ở Triều Tiên và Cộng hòa Séc (Czech), làm dấy lên câu hỏi về số phận công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc tại Mỹ và Liên minh châu Âu.

Huawei, công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vì những lo ngại gây ra rủi ro an ninh quốc gia, đã bí mật giúp Triều Tiên xây dựng và duy trì mạng không dây thương mại, báo Mỹ Washington Post ngày 22/7 đưa tin.

huawei-5

 (Ảnh: Reuters)

Washington Post dẫn nguồn tin và tài liệu nội bộ, cho biết gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc hợp tác với một công ty nhà nước Trung Quốc, Panda International Information Technology Co Ltd., trong một số dự án ở Triều Tiên trong ít nhất 8 năm. Huawei và Panda đã để trống văn phòng Bình Nhưỡng của họ vào nửa đầu năm 2016.

Các nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ điều tra Huawei từ năm 2016 và đang xem xét liệu công ty có vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không. Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen và Tom Cotton cho biết trong một tuyên bố rằng tiết lộ này "nhấn mạnh mối quan hệ của Huawei với Triều Tiên và các hành vi vi phạm pháp luật Mỹ của công ty".

Họ cũng cho biết dự luật tái ủy quyền quốc phòng đang được xem xét tại Quốc hội, có các điều khoản mới nhằm thực thi tốt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Theo các điều khoản, bất kỳ công ty nào làm ăn với Triều Tiên - như Huawei có thể đã làm - sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Video: Người Việt lo lắng khi sử dụng Huawei

Cũng trong ngày 22/7, Agence France-Presse đưa tin một cuộc điều tra do đài phát thanh Séc thực hiện cho thấy đơn vị Huawei của Séc đã "bí mật thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, quan chức và các đối tác kinh doanh".

Trích dẫn hai cựu quản lý Huawei giấu tên, đài phát thanh Séc cho biết Huawei yêu cầu các quản lý này nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính mà chỉ trụ sở Huawei tại Trung Quốc mới quản lý. Các thông tin cá nhân được thu thập bao gồm số lượng con cái, sở thích và tình hình tài chính của các đối tượng được chỉ định.

Hơn nữa, nguồn tin cho biết nhân viên Huawei có thông lệ thảo luận về thông tin thu thập được tại các cuộc họp với nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc. Nguồn tin không thể nói liệu đây có phải là gián điệp hay không. Một nguồn tin khác nói với đài Séc rằng nhiệm vụ của họ là thu thập thông tin về các quan chức nhà nước, những người sau đó được mời tham dự một hội nghị hoặc có chuyến đi đến Trung Quốc.

Đáp lại hai thông tin trên, Huawei phủ nhận vi phạm bất kỳ quy tắc nào do EU hoặc Liên hợp quốc đặt ra, tuyên bố không có "sự hiện diện kinh doanh" nào tại Triều Tiên.

Nhưng Washington Post cho biết một số câu hỏi, chẳng hạn như liệu Huawei có kinh doanh ở Triều Tiên trong quá khứ, trực tiếp hay gián tiếp, không được người phát ngôn của Huawei, Joe Kelly trả lời.

Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Động thái cấm các công ty Mỹ bán hầu hết các bộ phận và linh kiện của Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép đặc biệt, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nỗ lực bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, cho biết các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán hàng.

Khi được hỏi về thông tin Huawei bí mật xây dựng và duy trì mạng không dây thương mại với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "chúng tôi sẽ phải tìm hiểu vấn đề này".

Cộng hòa Séc và Ba Lan lặp lại các chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Huawei, là những tiếng nói cứng rắn trong EU liên quan đến Huawei. Cơ quan an ninh thông tin và mạng quốc gia Séc kết luận vào năm 2018 rằng phần mềm và phần cứng của Huawei đe dọa đến an ninh nhà nước của họ.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn