Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim từ Singapore đến Hà Nội: Kỳ vọng sự đột phá

Thế giớiThứ Năm, 14/02/2019 16:51:00 +07:00

Giới chuyên gia kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội tới đây có thể tiến tới một thỏa thuận cụ thể hơn so với những gì họ đạt được tại Singapore tháng 6/2018.

Tại Singapore cách đây 8 tháng, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm hội kiến với người đứng đầu Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chung được đưa ra sau đó được cho là quá mơ hồ và nhiều mục mang tính biểu tượng. 

Mặc dù vậy, các động thái diễn ra hơn nửa năm qua của cả 2 bên khiến giới quan sát khá bất ngờ. 

Tổng thống Trump ngay sau cuộc gặp với ông Kim tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc vốn từng bị Triều Tiên lên án là khiêu khích và kích động chiến tranh. Thực thế thì một số sau đó vẫn được triển khai nhưng hầu hết là ở quy mô nhỏ. 

My cung ran voi Trieu Tien

Cử chỉ thân thiện của lãnh đạo Mỹ-Triều trong Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 12/6/2018 ở Singapore. (Nguồn: Reuters)

Triều Tiên trong khi đó đồng ý trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Quan trọng hơn, vào tháng 7/2018, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng ở bãi thử tên lửa Sohae. 

Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tiến tới các hội nghị thượng đỉnh mới, thống nhất về các bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực như gỡ bỏ mìn dọc biên giới, tháo dỡ các trạm lính gác và thiết lập một vùng cấm bay. 

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều cuộc gặp giữa các phái đoàn Mỹ-Triều nhưng cũng không thiếu các cuộc họp bị hủy bỏ không lý do.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ít lần công du tới Bình Nhưỡng và hội kiến với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump trong khi đó tiếp đón các quan chức cấp cao Triều Tiên tại Nhà Trắng và tuyên bố ông và Chủ tịch Kim đều quý mến nhau. 

Trong thông điệp đầu năm 2019, ông Kim nói rằng ông rất sẵn lòng gặp lại Tổng thống Trump, cùng với đó đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa nhưng cũng cảnh báo sẽ thay đổi ý định nếu không hài lòng với các cuộc đàm phán. 

Một loạt các cuộc đàm phán vào đầu tháng 1/2019 diễn ra, sau đó là thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội của Tổng thống Trump. 

Những diễn biến này rõ ràng là hết sức lạc quan nếu nhìn vào lịch sử đối đầu của 2 nước trong quá khứ. Tuy nhiên trên thực tế, đằng sau các cuộc đàm phán, cả 2 bên đều không đưa ra được bất cứ bước tiến mới nào về tiến trình phi hạt nhân hóa, nới lỏng các lệnh trừng phạt hay đưa ra một tuyên bố hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. 

Truyền thông Triều Tiên liên tục phàn nàn việc Mỹ khăng khăng rằng sẽ chỉ nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng hay tiến tới tuyên bố hòa bình nếu quốc gia Đông Bắc Á có những bước đi mới về phi hạt nhân hóa. 

Trong khi đó, tình báo và giới chức quốc phòng Mỹ chỉ trích Triều Tiên vẫn tiếp tục nuôi tham vọng phát triển hạt nhân và rằng Bình Nhưỡng sẽ khó có thể từ bỏ tham vọng này. 

Sau cuộc gặp với ông Kim vào tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Triều Tiên sẵn sàng tháo dỡ vĩnh viễn khu liên hiệp hạt nhân chính Yongbyon của họ và cho phép các thanh sát viên quốc tế tới một số địa điểm thử tên lửa nếu Mỹ nhượng bộ. 

Những bất đồng này trong quan điểm giữa 2 bên được kỳ vọng có thể sẽ được hóa giải tại cuộc gặp tới đây giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội. Cả Mỹ và Triều Tiên đều rất kín tiếng về những gì có thể sẽ diễn ra tại Việt Nam trong 2 tuần tới, nhưng các nhà phân tích cho rằng Mỹ cần cởi mở hơn nếu muốn đi tới một thỏa thuận nào đó. 

Stephen Biegun, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng các cuộc thảo luận mới đây với Bình Nhưỡng xoay quanh khoảng 12 nội dung trong các cuộc đàm phán để chuẩn bị cho hội nghị tới đây. 

Một nguồn tin cho biết Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phát, khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều, mở văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng và tiến tới thỏa thuận chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. 

Các động thái khác có thể bao gồm việc nới lỏng lệnh cấm người Mỹ du lịch tới Triều Tiên và yêu cầu Washington cung cấp các khoản viện trợ song phương. 

Để Mỹ gật đầu đồng ý, Triều Tiên có thể sẽ phải đóng cửa khu liên hợp hạt nhân Yongbyon cũng như các cơ sở hạt nhân quan trọng trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, các quan chức Hàn Quốc cho biết. 

Tháng 12/2018, truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn các mối đe dọa tới từ Mỹ, nhưng không nêu ra các bước đi cụ thể mà Washington cần thực hiện. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn