Hậu APEC, căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G20

Thế giớiThứ Bảy, 01/12/2018 11:55:00 +07:00

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina ngày 30/11, trước khi cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra.

Hai ngày hội nghị G20 năm 2018 giống như một phép thử lớn đối với nhóm 20 quốc gia công nghiệp hóa.

Theo Reuters, G20 chiếm khoảng hai phần ba dân số toàn cầu, đang phải đối mặt với câu hỏi về khả năng giải quyết các căng thẳng thương mại khi xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa đi đến hồi kết.

Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, kể từ khi ông Trump khởi động một loạt các biện pháp nhằm điều chỉnh thứ mà ông coi là những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

g-20-family-photo-1

 Các lãnh đạo G20 chụp ảnh chung. (Ảnh: Reuters)

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ bắt đầu tuần tới với kết quả đối thoại giữa ông Trump và ông Tập trong bữa tối bên lề G20, dự kiến tổ chức ngày 1/12, nhằm giải quyết những khác biệt giữa hai bên đang đè nặng lên cả tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh ngày 30/11, ông Tập và lãnh đạo nhóm BRICS các nền kinh tế mới nổi – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi thương mại quốc tế mở và tăng cường sức mạnh Tổ chức thương mại thế giới WTO.

“Tinh thần và quy tắc của WTO đối lập với các biện pháp đơn phương và bảo hộ. Chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên phản đối những phương pháp không phù hợp với WTO này, gắn bó với những cam kết họ đã đưa ra trong WTO.”

Theo Reuters, Bắc Kinh hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ kế hoạch nâng cao mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ tháng 1, khi hiện tại là 10%.

Cổ phiếu Mỹ dao động giữa tăng nhẹ và giảm trong ngày 30/11, các nhà đầu tư tránh đánh cược lớn trước cuộc đối thoại Trump - Tập ngày 1/12.

Nói về cuộc gặp, Tổng thống Trump phát biểu ngày 30/11 rằng có một số tín hiệu tích cực.

“Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ. Nếu có thể đưa ra thỏa thuận thì tốt. Tôi nghĩ họ muốn làm điều đó. Chúng ta hãy chờ xem” – ông Trump nói trong một cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khi đó, quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc tại Buenos Aires nói đã có thêm tín hiệu thỏa thuận trước cuộc đàm phán nhưng vẫn còn một số khác biệt giữa hai bên.

Video: Mỹ tự tin chiến thắng trong chiến tranh thương mại

Trước đó, hội nghị thượng đỉnh APEC đã kết thúc mà không có tuyên bố chung do những bất đồng chủ yếu đến từ Mỹ và Trung Quốc. Công khai tại hội nghị, đại diện hai bên đưa ra những phát biểu quan điểm đối lập nhau.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong khi bày tỏ sự tôn trọng ông Tập và Trung Quốc, chỉ trích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và các hoạt động thương mại không công bằng.

Trong khi đó, ông Tập cho rằng thế giới đang đối mặt với việc phải lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương phát triển. Ông cho rằng những thể chế quốc tế được thiết lập sau Thế chiến II như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không nên bị ảnh hưởng bởi các chương trình nghị sự ích kỷ.

Mỹ quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn nhưng phải có sự thay đổi từ Trung Quốc, theo ông Pence. Đáp lại, ông Tập nói đối thoại là rất quan trọng.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn