'Gói nâng cấp' giúp tàu Mỹ thách thức Trung Quốc ở châu Á- Thái Bình Dương

Thế giớiThứ Bảy, 14/09/2019 06:42:00 +07:00

Các tàu chiến ven biển được Mỹ nâng cấp, gia tăng hỏa lực giúp tăng cường sức mạnh cho Washington tại châu Á trong cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc.

Chương trình nâng cấp tàu chiến ven biển (LCS) của Mỹ thu hút sự chú ý khi chiếm hạm USS Gabrielle Giffords nhổ neo, xuất phát từ San Diego tới Singapore cùng với "người anh em" USS Montgomery hồi đầu tháng. 

Đây là lần đầu tiên 2 trong số các tàu LCS được triển khai đồng thời tới Singapore, nơi Mỹ thiết lập một cơ sở tiếp nhiên liệu và hậu cầu lớn kể từ khi chính quyền Obama tuyên bố duy trì 4 tàu chiến duyên hải đồn trú tại đây như một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á. 

Các tàu LCS nhỏ hơn và nhanh hơn tàu khu trục, được xem là lựa chọn lý tưởng để triển khai ở các vùng biển đông đúc và tranh chấp.

Tuy nhiên sau tuyên bố của chính quyền Obama, lớp tàu này lại gặp hàng loạt các vấn đề như chi phí phát triển, thiết kế, lịch trình huấn luyện, hạn chế trong việc triển khai các nhiệm vụ khác nhau và đặc biệt là những nghi ngờ về khả năng sống sót. 

tau

 USS Gabrielle Giffords. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Khó khăn chồng chất khiến Hải quân Mỹ quyết định cắt giảm số lượng tàu LCS mà họ định phát triển từ 55 xuống 38. Từ năm 2013-2016, chỉ có 3 tàu LCS được triển khai tới Singapore. Lầu Năm Góc cũng dừng triển khai các tàu loại này ra nước ngoài trong suốt 19 tháng cho tới khi USS Montgomery cập bếp quốc đảo sư tử vào tháng 7 mới đây. 

Nhưng gió có vẻ đã đổi chiều. 

Eric Sayers, cựu cố vấn cho chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, sau một thời gian dài gián đoạn, bất cứ động thái triển khai nào cũng là cải tiến. 

"Việc điều động 2 trước khi nâng lên 4 tàu hoặc nhiều hơn sẽ giúp Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ nâng cao vị thế tại Đông Nam Á, thực hiện thêm nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương với hải quân trong khu vực", ông Sayers cho hay. 

Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tới từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng trong khi Hải quân Mỹ thừa nhận lớp tàu LCS còn tồn đọng các vấn đề cần giải quyết, họ cũng chỉ ra rằng các tàu này đã đạt tới một mức độ nhất định, đặc biệt là các yếu tố liên quan tới tính sẵn có của đội tàu, công tác bảo trì...

"Vì vậy, chúng ta có thể sẽ thấy thêm nhiều tàu LCS ra biển và đặc biệt, nhiều trong số đó có khả năng sẽ tiến về khu vực Tây Thái Bình Dương, phù hợp với các mục tiêu mà Mỹ đặt ra trước đó", ông Koh nhận định. 

Khi USS Gabrielle Giffords được điều động tới Singapore, nó nhanh chóng thu hút sự chú ý do được trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh NSM, sản phẩm hợp tác giữa công ty quốc phòng Kongsberg của Na Uy và Raytheon của Mỹ. NSM có tầm bắn vào khoảng 180 km, vượt trội so với các tên lửa chống hạm hiện nay trong biên chế hải quân Mỹ. Nếu không tính NSM, khoảng cách lớn nhất mà tên lửa chống hạm Mỹ có thể tiếp cận mục tiêu là khoảng 108 km. 

NSM có khả năng tấn công vào bất cứ phần nào của con tàu mục tiêu nhờ công nghệ dẫn đường hiện đại. Nó cũng có thể điều hướng sang xung quanh, thực hiện các thao tác ngẫu nhiên ngay trước khi tấn công mục tiêu để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của đối phương. 

Theo SCMP, hải quân Mỹ đang lên kế hoạch trang bị NSM cho tất cả các tàu LCS của mình. Washington tin rằng sự kết hợp cả NSM với các trực thăng không người lái sẽ đem tới cơn ác mộng cho chiến hạm của đối phương. 

Trong nhiều năm, các chuyên gia quốc phòng Mỹ thường xuyên phàn nàn về lớp tàu LCS không được trang bị đầy đủ để đối phó với hệ thống vũ khí chống hạm tiên tiến của hải quân Trung Quốc. Giờ đây, họ có thể phần nào hài lòng khi Mỹ thực sự nghiêm túc trong nỗ lực đầu tư cho các cuộc đối đầu trên biển sau 2 thập kỷ chứng kiến hải quân Trung Quốc mạnh tay triển khai loạt vũ khí chống hạm trên hạm đội của mình. 

Lớp tàu LCS của Mỹ trước đây chỉ được trang bị tên lửa Block-1C Harpoon với tầm bắn 140 km, kém xa các tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu từ khoảng cách 180 - 190 km như tên lửa trang bị trên chiến hạm Trung Quốc. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cảnh báo không nên đánh giá quá cao khả năng của nhóm tàu LCS dù nó có vai trò phong tỏa, trói chân tàu đối thủ trong một cuộc đối đầu tiềm năng trên biển. 

"Tàu mặt nước sẽ chỉ là một phần của toàn bộ mạng lưới tác chiến từ trên không cho tới trên biển. Vì hải quân Trung Quốc đủ lớn, hải quân Mỹ và các lực lượng liên quan sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết nếu đối đầu trong một không gian rộng", ông Wu Shang-su, chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Đại học công nghệ Nanyang Singapore (NTU) cho hay. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn