EU và Mỹ ‘đấu đá’ giành thị trường Trung Quốc

Thế giớiThứ Bảy, 13/04/2019 17:41:00 +07:00

Trung Quốc đang là thị trường quá hấp dẫn đối với cả Mỹ và EU.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Nga Vyacheslav Kholodkov tin rằng EU và Mỹ đã bước vào một cuộc chiến tranh giành thị trường Trung Quốc.

Theo chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đe dọa sẽ đánh thuế cao hơn đối với lượng hàng hóa châu Âu trị giá khoảng 11 tỷ USD chính là dấu hiệu khởi đầu cho cuộc chiến này. Lời đe dọa của ông Trump được coi là động thái trả đũa thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 3 giữa Trung Quốc và Pháp để mua 300 máy bay từ Airbus – đối thủ cạnh tranh của hãng máy bay lớn nhất nước Mỹ - Boeing.

eu-china

 Trung Quốc đang là thị trường quá hấp dẫn đối với cả Mỹ và EU. (Ảnh minh họa: Getty/BI)

Nhận định của giới truyền thông phương Tây về Hội nghị thượng đỉnh thường niên Trung Quốc-EU được tổ chức hôm 9-10/4 vừa qua cho thấy quan điểm của EU đối với Bắc Kinh bề ngoài có vẻ như không có nhiều thay đổi.

Trong bản dự báo của Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU Frederica Mogherini, được công bố ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, vẫn có những lời cáo buộc chống lại Trung Quốc về hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ,  đóng cửa thị trường đối với hàng hóa và đầu tư châu Âu và quan trọng nhất là về sự trợ cấp của nhà nước cho các doanh nghiệp.

Bản báo cáo tuy khắc họa Trung Quốc là “một đối thủ mang tính hệ thống”, nhưng trong đó lại không có bất kỳ ý tưởng kiềm chế Trung Quốc nào giống như lập trường của Mỹ. Mặt khác, Bắc Kinh còn được xác định là một đối tác chiến lược.

Quan điểm nước đôi đó cũng được thể hiện rõ nét tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc. Bản thông cáo tổng kết hội nghị theo đó vẫn còn những điểm không rõ ràng.

Theo bản thông cáo này, người châu Âu được Trung Quốc cam kết sẽ mở rộng thị trường hơn nữa đối với hàng hóa và đầu tư của châu Âu. Các bên cũng tuyên bố sẽ tuân thủ lập trường chung trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và từ bỏ thực hiện chuyển giao công nghệ cưỡng chế. Tuy nhiên, về vấn đề Trung Quốc từ bỏ trợ cấp nhà nước cho các doanh nghiệp thì lại không có bất cứ giải pháp hay thỏa thuận nào được đề cập.

Không những thế, một số đầu mục trong thông cáo rõ ràng là nhắm đến Mỹ. Đặc biệt, hai bên đã bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ cho WTO và các tổ chức thương mại quốc tế trong điều kiện hiện nay. Điều này chính là nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Nhà Trắng.

Châu Âu đặc biệt quan tâm đến thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Tại đây, hiện đã có hơn 300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2025 con số này sẽ là 600 triệu. Trong cuộc đấu tranh giành một thị trường như vậy, châu Âu sẽ sẵn sàng “đấu đá” ngay cả với người Mỹ.

Tường Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn