Điện Kremlin phản ứng trước đe dọa phá huỷ tên lửa đầu đạn hạt nhân Nga của Mỹ

Thế giớiThứ Tư, 03/10/2018 08:41:00 +07:00

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Matxcơva sẽ ‘làm ngơ’ trước những lời đe dọa từ Mỹ về việc phá huỷ các tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

“Điện Kremlin không muốn dành sự chú tâm đặc biệt cho các tuyên bố như vậy của đại diện thường trực Mỹ, trong khi chúng tôi có quá nhiều những vấn đề cần phải làm rõ từ các thông điệp ở cấp cao hơn”, ông Peskov khẳng định.

11234 3

 Ông Dmitry Peskov. (Ảnh: RIA Novosti)

Phát biểu trên sóng truyền hình CNN ngày 2/10, bà Kay Bailey Hutchison - đại diện thường trực của Mỹ tại NATO cảnh báo, Washington đang xem xét khả năng ‘loại bỏ’ tên lửa Nga được cho là vi phạm Hiệp ước Hạt nhân tầm trung (INF).

“Chúng tôi đã cố gắng gửi các thông điệp tới Nga trong nhiều năm, cảnh báo rằng chúng tôi biết Nga đang vi phạm Hiệp ước, và chúng tôi có bằng chứng để khẳng định điều đó”, Bà Hutchison thông báo.

Theo bà Hutchison, tên lửa đạn đạo tầm trung của Nga đã vi phạm INF và giải pháp về điều này được Mỹ và NATO đưa ra rất có thể sẽ là “tiêu hủy toàn bộ số tên lửa vi phạm Hiệp ước đang được Nga chế tạo và phát triển”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova gọi lời tuyên bố của nhà ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba là “hung hăng, mang tính công kích”.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Matxcơva vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF, yêu cầu “sự minh bạch”. Trước những cáo buộc, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng Nga không hề vi phạm điều khoản INF. 

INF được hai nước ký kết năm 1987, quy định loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500-5.500km và cơ sở hạ tầng phục vụ nó.

Video: Dàn vũ khí tối tân của Nga phô diễn sức mạnh tại Vostok-2018

Matxcơva và Washington đang liên tục đưa ra cáo buộc lẫn nhau liên quan đến việc vi phạm Hiệp ước INF. 

Nga cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu. Trong khi đó, Washington thì cho rằng Matxcơva đang có hành động tương tự khi phát triển tên lửa hành trình R-500 và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. 

Giới chức quân sự Mỹ tin rằng các tên lửa này có tầm bắn vượt quá giới hạn cho phép của hiệp ước. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi “bí mật triển khai ít nhất một khẩu đội tên lửa hành trình SSC-8” ở biên giới với các nước châu Âu. Theo giới quan sát, nhiều khả năng đây là phiên bản trên bộ của tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Các nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ, bao gồm cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa, đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng đang nỗ lực cưỡng lại áp lực từ Quốc hội cũng như cảnh báo với Tổng thống Trump về những hậu quả khó lường nếu xé bỏ hiệp ước này.

Matxcơva nhiều lần lên tiếng khẳng định Nga tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Hiệp ước INF, đồng thời đặt ra câu hỏi ngược lại cho chính quyền Washington về việc chấp hành thỏa thuận này.

Cẩm My
Bình luận
vtcnews.vn