Diễn biến mới nhất cuộc bầu cử gây tranh cãi tại miền Đông Ukraine

Thế giớiThứ Hai, 12/11/2018 14:50:00 +07:00

Quyền lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông Denis Pushilin giành được 61,5% phiếu bầu sau khi 76,43% phiếu được kiểm đếm, Ủy ban Bầu cử trung ương DPR ngày 12/11 cho biết.

“Tính đến 3 giờ, 76,43% phiếu bầu từ 297 ủy ban bầu cử đã được xử lý” - Ủy ban Bầu cử Trung ương DPR (CEC) tuyên bố, theo Tass.

Theo CEC, phiếu bầu cho các ứng viên vào vị trí lãnh đạo DPR được phân bố như sau: Roman Yevstifeyev – 6,4%, Vladimir Medvedev – 10,1%, Denis Pushilin – 61,5%, Roman Khramenkov – 12,4%, Yelena Shishkina – 9,6%.

bau-cu-donetsk

Ông Denis Pushilin. (Ảnh: Sputnik)

Cuộc bầu cử tìm ra lãnh đạo và các nhà lập pháp ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) diễn ra ngày 11/11. Chính phủ Ukraine và phương Tây gọi những cuộc bầu cử này là bất hợp pháp và là nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn giải quyết xung đột, theo AP.

Hơn 10.000 người đã bị giết từ khi cuộc chiến nổ ra năm 2014 giữa những người theo chủ nghĩa ly khai và quân đội Chính phủ Ukraine. Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine, Svyatoslav Tsegolko nói trên Facebook rằng Tổng thống Poroshenko đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thảo luận về các cuộc bầu cử này.

Đức và Pháp nằm trong nhóm “Normandy format” cùng với Nga để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

donetsk-election-1 3

 Người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tại Donetsk. (Ảnh: Daily Sabah)

Theo Al Jazeera, cuộc bỏ phiếu ngày 11/11 diễn ra trong an ninh thắt chặt sau khi lãnh đạo DPR Zakharchenko bị sát hại trong vụ nổ bom quán cà phê hồi tháng 8.

Lực lượng ly khai miền Đông chiến đấu với quân đội Chính phủ Ukraine từ mùa xuân năm 2014. Các cuộc bầu cử địa phương ở Donetsk và Luhansk được tổ chức hôm 11/11, theo các nhà phê bình, đã không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo thỏa thuận Minsk ký kết ngày 12/2/2015, các cuộc bầu cử địa phương sẽ được thảo luận và thực hiện trong khuôn khổ Nhóm Tiếp xúc trên cơ sở luật Ukraine và do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Các cuộc bầu cử ở DPR và LPR chỉ có thể diễn ra sau khi lực lượng ly khai rút hết vũ khí và quân đội ra khỏi ranh giới phân định theo thỏa thuận Minsk, và việc này phải được sự xác nhận của OSCE.

Mỹ và Bỉ đã yêu cầu Nga không tổ chức những cuộc thăm dò ý kiến bất hợp pháp, cho rằng điều này làm ảnh hưởng đến nỗ lực hòa bình. Nga bị cáo buộc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. 

Trong khi đó, Kiev thúc giục các đồng minh phương Tây trừng phạt Matxcơva vì vi phạm thỏa thuận năm 2015 – được Nga, Ukraine, Đức và Pháp ký tại Minsk, Belarus cam kết kết thúc chiến tranh ở miền Đông Ukraine và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi phạm vi 15km hai bên tiền tuyến.

Ngày 10/11, Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân không tham gia “bầu cử giả”.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn