Đại tá an ninh Việt Nam nói về sự nguy hiểm khi Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay quân sự ra Trường Sa

Thế giớiThứ Hai, 14/05/2018 08:33:00 +07:00

Trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay quân sự tới các cấu trúc xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chuyên gia an ninh, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhận định đây là những hành động thể hiện dã tâm và toan tính nguy hiểm của Bắc Kinh.

Trong thời gian gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin về việc Trung Quốc liên tiếp triển khai trái phép các khí tài quân sự, trong đó có tên lửa hành trình và máy bay quân sự tới các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Để hiểu rõ ràng, đầy đủ và chính xác về vấn đề này, VTC News có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự, Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm đưa ra nhận định rằng việc Trung Quốc thực hiện động thái triển khai trái phép tên lửa và máy bay quân sự tại các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam là hành động hết sức nguy hiểm, thể hiện nhiều dã tâm và toan tính địa chính trị, đe dọa an toàn hàng hải cùng gây bất ổn cho an ninh chung của khu vực. Chuyên gia đồng thời đưa ra cảnh báo nguy cơ thông tin giả. 

 - Việc Trung Quốc triển khai trái phép khí tài tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có tên lửa và máy bay quân sự liệu có dẫn tới sự hiện diện quân sự tại Biển Đông của một số quốc gia không có tranh chấp trực tiếp tại đây không thưa ông?

Trên lãnh hải Việt Nam thì tôi cam đoan rằng không thể có nước ngoài nào có thể hiện diện quân sự được. Vì lãnh hải Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 có quy định là tính từ đường cơ sở ra khơi đến 12 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1,852 km).

Đây là vùng chủ quyền toàn vẹn lãnh hải, giống như lãnh thổ trên đất liền. Đối với vùng lãnh hải này, không một quốc gia nào có thể xâm phạm được, kể cả về kinh tế lẫn quân sự.

Việt Nam thực hiện chính sách 3 không: Không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không cho bất kỳ nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam làm phương hại đến độc lập, chủ quyền của nước thứ 3. Đây là lý do ta có thể yên tâm về vùng lãnh hải Việt Nam.

cruise-missile-e1441774473423 3

Tên lửa chống hạm Ưng kích 62 (YJ-62) của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Có điều chắc chắn là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối động thái này của Trung Quốc bởi nó xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có huyện đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi.

Tên lửa có rất nhiều loại như đối hải, đối đất, đối không, nếu Trung Quốc đặt tên lửa phòng không ở đây và họ tuyên bố thiết lập vùng nhận diện an toàn phòng không ADIZ thì đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nếu họ đặt tên lửa đối đất ở đây để đối địch thì có thể thấy ngay 2 mục tiêu: Phía Đông là Philippines và phía Tây là Việt Nam. Malaysia không phải là đối thủ chính của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Về máy bay quân sự cũng thế.

Do đó theo tôi, đây là những thông tin hoàn toàn mới và đòi hỏi cần phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào.

Trong khi đó Mỹ rất muốn trở lại Biển Đông. Đây không đơn giản chỉ là vấn đề phô trương thanh thế mà thực chất là siết thêm vòng vây ép Trung Quốc. Do đó, tôi cho rằng các tên lửa mà Trung Quốc triển khai tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam, nếu có, thì đầu tiên và trước hết là nhằm vào các tàu sân bay Mỹ. Đây mới là đối thủ chủ yếu nhất của Bắc Kinh.

Còn đối với Việt Nam thì Trung Quốc một mặt gây sức ép, đặc biệt về các vấn đề đang tranh chấp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và việc họ hiện đại hóa các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng trái phép, cũng như việc Trung Quốc tìm cách khôi phục lại đường 9 đoạn phi pháp cho thấy Trung Quốc không từ bỏ chính sách bành trướng ở Biển Đông.

Nhưng Trung Quốc hiểu rằng họ cũng phải tranh thủ Việt Nam để giữ một “cửa mở về kinh tế” xuống Đông Nam Á, dù Trung Quốc tiếp tục có những hành động bồi đắp trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một vài bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam.

Đối với việc Trung Quốc triển khai tên lửa hay máy bay quân sự tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép thì đây là chuyện riêng của Trung Quốc và Việt Nam; nhưng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì đây là chuyện của 4 nước 5 bên.

Trong tình thế ấy, Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và là thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam luôn tuân thủ sự không thể nhượng bộ về nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết… nhưng cũng luôn xử lý mềm dẻo các quan hệ đối tác và đối tượng, làm bạn với các nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vạn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hợp tác cùng có lợi.

Cụ thể là chúng ta đang tuân thủ phương châm 4 tránh:

- Tránh chiến tranh.

- Tránh bị cô lập về chính trị

- Tránh bị bao vây về kinh tế

- Tránh bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có liên quan đến mình.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta muốn là giữ gìn hòa bình và ổn định để phát triển.

Khi Trung Quốc thực hiện bất cứ hành vi trái phép nào tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam thì Bộ Ngoại giao Việt Nam đều lên tiếng phản đối và khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo này.

Cần phải hiểu rằng động thái này của Việt Nam không chỉ là một tuyên bố đơn phương vô căn cứ mà là sự tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển 1982. Trong Công ước ấy có quy định là trong 50 năm, vùng có tranh chấp ấy không có ai lên tiếng phản đối thì nghiễm nhiên sẽ thuộc về bên tuyên bố có chủ quyền.

- Vì sao Mỹ và một số quốc gia phương Tây lại có động thái phản đối gần như ngay lập tức sau khi có thông tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay quân sự trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thưa ông?

Việc phản ứng của Mỹ và phương Tây thì trước tiên phải xem nguồn tin của họ chính xác đến đâu và đương nhiên Việt Nam không thể nhất nhất nghe theo nguồn tin của họ.

Trước đây khi Việt Nam triển khai tên lửa phòng không hay thậm chí là tên lửa đối hải tại quần đảo Trường Sa của chúng ta, Trung Quốc chưa có ý kiến gì nhưng Mỹ thì lại phản đối ngay lập tức.

Video: Trung Quốc triển khai tập trận với tàu sân bay

Khi ấy Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại quân sự khẳng định rằng việc Việt Nam triển khai vũ khí ở đâu trên lãnh thổ của Việt Nam là chủ quyền của Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, đúng là có 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở đó không chỉ gây ảnh hưởng đến Việt Nam mà quan trọng hơn, đó là sự “răn đe ngược” đối với Mỹ khi Mỹ tiếp tục gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông dưới danh nghĩa tuần tra bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không.

Sở dĩ ta ra lời phát ngôn chậm hơn so với Mỹ là vì ta phải chờ xác minh lại chắc chắn về thông tin của các bên đưa ra vì đã từng có không ít nguy cơ tin tức giả.

Còn động thái của Mỹ và phương Tây thì trước tiên vẫn cứ là động thái gây hấn. Những thông tin từ phía họ thậm chí còn mang đậm màu sắc kích động những người Việt Nam có tư tưởng “bài Hoa”. Lâu nay, mọi người không lạ gì vấn đề quan hệ Việt – Trung là vấn đề rất dễ bị những thế lực phản động lợi dụng và khuếch trương lên thành phong trào, kích động biểu tình gây rối nhằm phục vụ mưu đồ chống phá chế độ của chúng.

Tôi xin nhấn mạnh rằng không có chuyện Mỹ hay các nước phương Tây phản ứng ngay với thông tin Trung Quốc đem tên lửa ra đá Chữ Thập vì Mỹ và phương Tây ưu tiên bảo vệ lợi ích cho Việt Nam, mà phải khẳng định rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của chính họ và các đồng minh của họ trước tiên.

- Tuy nhiên, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước báo giới, Chủ tịch Tập khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Đó chỉ là lời nói chứ trên thực tế không một nước nào đi chiếm đóng vùng lãnh thổ nào đấy lại không đem lực lượng quân sự đến bảo vệ. Đài Loan khi chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng tuyên bố như vậy.

Shaanxi Y-9 Y-8F-600

 Máy bay vận tải Thiểm Tây Y-8F-600 (Shaanxi Y-8F-600) của Trung Quốc. (Ảnh: CR)

Nhưng hiện nay đảo Ba Bình lại có căn cứ quân sự do Đài Loan xây dựng trái phép ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tuyên bố không quân sự hóa khu vực Biển Đông cũng như các đảo bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì đó chỉ là lời tuyên bố mang tính chất xoa dịu dư luận mà trực tiếp là dư luận Mỹ.

Trên thực tế thì Trung Quốc không chỉ quân sự hóa các đảo, bãi đá tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hiện chiếm đóng trái phép mà họ tìm cách kinh tế hóa các đảo này.

Hiện nay, Trung Quốc đang có dự án đầy tham vọng là xây dựng kênh đào Kra đi qua bán đảo Malay, mở con đường ngắn hơn sang Ấn Độ Dương mà không phải đi qua eo Malacca.

Nếu dự án này hoàn thành, các đảo và bãi đá trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép sẽ được họ sử dụng để phục vụ cho dự án này.

 
Không có chuyện Mỹ hay các nước phương Tây phản ứng ngay với thông tin Trung Quốc đem tên lửa ra đá Chữ Thập vì Mỹ và phương Tây ưu tiên bảo vệ lợi ích cho Việt Nam, mà phải khẳng định rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của chính họ và các đồng minh của họ trước tiên.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm

Đây không chỉ là tranh chấp về mặt quân sự mà còn cả về mặt kinh tế trong tương lai. Trong vấn đề này thì quân sự lui xuống phía sau nhưng vẫn rất quan trọng vì nó đóng vai trò là “cây gậy răn đe”. Khi có căn cứ cung cấp dịch vụ hậu cần kinh tế trên biển mà không có lực lượng quân sự bảo vệ nó thì đây là sơ suất không thể chấp nhận.

- Sau các động thái triển khai trái phép tên lửa và máy bay quân sự của Trung Quốc tại đã Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì động thái tiếp theo của Trung Quốc là gì?

Theo tôi nhận định thì việc Trung Quốc thực hiện động thái triển khai trái phép tên lửa tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam là hành động "ném đá dò đường". Nếu như không gặp phải sự phản đối quyết liệt và mạnh mẽ của các nước có liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… cũng như một số quốc gia có liên quan gián tiếp như Thái Lan hay Campuchia và các nước có tiềm lực quân sự lớn muốn tranh giành ảnh hưởng như Mỹ, Nhật Bản và thậm chí là Ấn Độ, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ làm tới.

Nhưng nếu có những sự phản đối mạnh mẽ hơn thì Trung Quốc sẽ quay trở lại chính sách của họ trước đây là chính sách “tằm ăn lá dâu”, mỗi lần làm một chút cho đến khi đạt được mục đích của mình.

Nhìn rộng ra, Trung Quốc không chỉ gây hấn ở Biển Đông mà họ còn gây hấn ở cả 3 hướng: Phía đông bắc, Trung Quốc có một số tranh chấp với Hàn Quốc về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Hoàng Hải. Phía đông có những tranh chấp với mức độ nghiêm trọng với Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn đối với Đài Loan thì Trung Quốc đã coi đó là một tỉnh của mình. Phía đông nam, Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia ven Biển Đông mà trực tiếp là 3 nước Việt Nam, Philippines và Malaysia.

- Động thái triển khai trái phép khí tài của Trung Quốc tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam được các chuyên gia nhận định là có ảnh hưởng đến an ninh và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Động thái này của Trung Quốc chắc chắn là có ảnh hưởng đến an ninh khu vực cũng như tự do hàng hải, hàng không tại đây, nhưng từ việc triển khai vũ khí đến việc bấm nút phóng là quá trình rất dài. Tôi từng viết rằng việc tạo cớ cho xung đột, cho chiến tranh là cả một nghệ thuật bài binh bố trận.

Nếu con đường hàng hải này bị ách tắc trong trường hợp xảy ra xung đột, chiến tranh nổ ra thì Trung Quốc cũng là một trong những bên bị thiệt hại và liệu dự trữ của Trung Quốc đủ để duy trì trong bao nhiêu lâu để họ có thể kéo dài được chiến tranh đến bao lâu? Đây là bài toán mà Bắc Kinh phải tính toán kỹ lưỡng. Và đó cũng là bài toán đặt ra với Nhật Bản và Hàn Quốc, còn Mỹ thì không bởi Mỹ là quốc gia bên ngoài.

Bản thân xung đột ở Biển Đông dù muốn hay không chắc chắn Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Do đó tình hình an ninh tự do hàng hải và hàng không không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trong khu vực. Khi ấy, cách làm của Việt Nam sẽ là đoàn kết quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn