Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ: Từng được 'hổ lớn' Chu Vĩnh Khang cất nhắc

Thế giớiThứ Ba, 09/10/2018 11:50:00 +07:00

Ông Mạnh Hoành Vĩ - cựu Chủ tịch Interpol, người vừa bị bắt giữ để điều tra tội nhận hối lộ theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc từng là thuộc cấp được Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng công an Trung Quốc cất nhắc.

Cấp dưới của ''hổ lớn'' Chu Vĩnh Khang

Với bằng cử nhân luật từ Đại học Bắc Kinh danh giá, ông Mạnh nhanh chóng gia nhập lực lượng công an và sớm thăng tiến, trở thành Thứ trưởng Bộ Công An vào năm 2004, dưới thời của Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang. Cùng năm đó, ông kiêm thêm chức vụ Cục trưởng Interpol Trung Quốc. 

Năm 2012 ông Chu Vĩnh Khang về hưu. Sau khi nghỉ hưu mọi thông tin liên quan đến ông Chu im ắng một cách bất thường. Tới năm 2014, giới chức Trung Quốc xác nhận ông đang bị điều tra tham nhũng. Cuộc điều tra nhắm tới hàng trăm người có quan hệ gần gũi với ông trong ngành dầu mỏ và Bộ Công an. 

meng-hong-wei-interpol-e1538981233319

Cựu Chủ tịch Interpol người Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: AP)  

Năm 2015, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bị tuyên án tù chung thân, khai trừ Đảng, tịch thu tài sản cá nhân vì các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và tiết lộ bí mật nhà nước.

Sau thông tin chấn động ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc bắt giam và điều tra vì tội nhận hối lộ, truyền thông Trung Quốc lập tức đưa tin về thân thế sự nghiệp của ông Mạnh, theo đó, ông từng là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang. 

Vào tháng 12/2002, Chu Vĩnh Khang bắt đầu đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ công an Trung Quốc thì đến tháng 6/2003, Mạnh Hoành Vĩ - khi đó là Trợ lý Bộ trưởng đã tháp tùng ông Chu đi thị sát ở Chiết Giang - Giang Tô.

Tháng 4/2004, Mạnh Hoành Vĩ được thăng chức Thứ trưởng, thành viên tổ đảng Bộ công an, trở thành cấp phó của Chu.

Sau sự vụ chấn động của Chu Vĩnh Khang rất nhiều thân tín, cấp dưới của Chu đã vướng vòng lao lý, nhưng ông Mạnh không những không hề hấn gì mà còn tiếp tục được trọng dụng. 4 năm sau đó, ông Mạnh nhanh chóng vươn tới đỉnh cao sự nghiệp chính trị khi được bầu làm Chủ tịch Interpol, trở thành người Trung Quốc đầu tiên đảm nhận vị trí này.

Truyền thông Trung Quốc dành cho ông những lời ngợi khen, khẳng định đây là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã công nhận đầy đủ năng lực thực thi pháp luật của Trung Quốc.

Bắc Kinh khi đó cũng đang rục rịch triển khai kế hoạch chiến dịch "Lưới trời" truy bắt các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài, nên việc ông Mạnh đắc cử càng trở nên có ý nghĩa hơn. 

Trên thực tế chức danh Chủ tịch Interpol phần nhiều mang tính biểu tượng và không chịu trách nhiệm về các hoạt động hàng ngày của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế. Mặc dù vậy, ông Mạnh vẫn được coi là một nhân vật có ảnh hưởng. 

Video: Toàn cảnh vụ Chủ tịch Interpol bị bắt giữ 

''Vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước''

Trong suốt thời gian ông Mạnh làm việc tại trụ sở của Interpol tại Lyon, Pháp, Trung Quốc đã đệ trình danh sách các nghi phạm trốn nã, 15 đối tượng trong số này đã bị dẫn dộ về nước từ năm 2017. Bắc Kinh cũng yêu cầu Interpol ra thông báo đỏ, tương đương với lệnh bắt giữ quốc tế với Quách Văn Quý, ông trùm bất động sản của Trung Quốc sống tại Mỹ bị tình nghi hối lộ cựu thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc Mã Kiến bị bắt giữ và điều tra với cáo buộc tham nhũng vào cuối năm 2015. 

Chưa đầy một năm sau khi trở thành người đứng đầu cơ quan cảnh sát toàn cầu, ông Mạnh đã tổ chức một cuộc họp đại hội đồng Interpol ở Bắc Kinh. Tại lễ khai mạc, ông được trao đặc quyền hiếm hoi là ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, người sau đó có bài phát biểu khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Interpol. 

Một năm sau, ông Mạnh tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận. Nhưng lần này ông không hề lộ mặt trực tiếp mà chỉ xuất hiện trên các trang báo lớn, nhỏ quốc tế vì vụ mất tích bí ẩn khi đáp chuyến bay xuống Trung Quốc hồi cuối tháng 9 vừa qua. Không lâu sau, giới chức Trung Quốc xác nhận Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đang bị cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc điều tra. 

Vào 23h52' ngày 7/10 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo ông Mạnh đã bị bắt vì vi phạm luật nhà nước và đang bị điều tra. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol nhận được đơn từ chức của ông Mạnh không lâu sau đó và thông báo đơn từ chức có hiệu lực ngay lập tức. 

Tuyên bố ngắn gọn từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết ông Mạnh đang bị điều tra về hành vi "vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước". Bộ Công an trong một tuyên bố dài hơn vào hôm sau tiết lộ ông Mạnh bị điều tra vì bị nghi ngờ tham nhũng và có hành vi vi phạm pháp luật “hủy hoại nghiêm trọng” đảng Cộng sản và ngành công an.

Trong một tuyên bố chính thức ngày 8/10 từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết ông Mạnh bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ và vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Những lời cáo buộc đanh thép gần như đã hủy hoại toàn bộ danh tiếng gây dựng bao năm của vị quan chức an ninh kỳ cựu từng giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như chống khủng bố và bảo vệ bờ biển. 

Capture 3

Mạnh Hoành Vĩ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: SCMP)

''Cá lớn'' đầu tiên sa lưới NSC

Tháng 3/2018, Trung Quốc chính thức thành lập siêu cơ quan chống tham nhũng - Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc (NSC). Nội dung căn bản của các thông báo bắt giữ điều tra của NSC đối với các quan chức cấp Bộ đều có cụm từ "tiếp nhận giám sát và điều tra kỷ luật của Ủy ban giám sát quốc gia, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương".

Tuy nhiên, khác với các lệnh bắt giữ các quan chức khác, thông báo điều tra đối với Mạnh Hoành Vĩ có nội dung khác ngắn và cơ quan điều tra đối với ông này được rút gọn chỉ còn "Ủy ban giám sát quốc gia". Ông Mạnh là quan chức cấp cao nhất bị bắt giữ và điều tra kể từ khi NSC được thành lập. 

Theo Luật giám sát quốc gia mới được ban hành, NSC hiện là cơ quan cao nhất phụ trách điều tra các hành vi phạm tội và phạm pháp liên quan đến chức vụ như tham nhũng hối lộ, lạm dụng quyền lực, xao nhãng trách nhiệm, trao đổi lợi ích, trục lợi cá nhân, lãng phí tài sản nhà nước của các ủy ban trên toàn quốc, từ cấp tỉnh thành đến cấp thị xã.

Đáng chú ý, NSC đặt ra một thuật ngữ mới là "liuzhi" (lưu giữ), theo đó NSC được quyền bí mật giữ người để điều tra trong ba tháng và có thể gia hạn thời gian giam giữ thêm ba tháng nữa nếu thấy cần thiết cho điều tra. 

Hình thức này tương tự với "song quy" mà CCDI từng áp dụng nhưng chỉ đối với các đảng viên. "Song quy" cho phép CCDI giam giữ ở một nơi bí mật không giới hạn thời gian. Như vậy, "liuzhi" đã hợp pháp hóa việc thực hành "song quy" và mở rộng đối tượng bị điều tra từ đảng viên tới bất cứ cá nhân nào. 

Việc âm thầm bắt giữ một chủ tịch Interpol đương nhiệm của Bắc Kinh được các nhà phân tích nhìn nhận sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến nỗ lực của Trung Quốc để đạt được vị trí dẫn đầu trong các tổ chức quốc tế.

Việc Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bất ngờ bị bắt giữ có thể là một thông tin chấn động, nhưng với nhiều người theo dõi Trung Quốc lâu năm, đây cũng không hẳn là điều không thể tin được, theo The Diplomat. 

Nhiều nguồn tin cho rằng từ đầu tháng 4/2018, ông Mạnh đã mất ghế tại Đảng ủy Bộ Công an trung ương Trung Quốc mặc dù ông vẫn được liệt kê trên trang web của Bộ như một Thứ trưởng. 

Việc vợ của ông Mạnh kêu gọi báo giới vào cuộc, một hành động khá bất thường với đối với thành viên trong gia đình các quan chức cấp cao Trung Quốc "ngã ngựa" chỉ ra rằng cả ông Mạnh và vợ có thể đã chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn