Cuộc chiến 25 năm của 'Quý bà' Myanmar và các tướng lĩnh quân đội

Thế giớiThứ Ba, 10/11/2015 08:44:00 +07:00

Quy ba Myanmar: bà Aung San Suu Kyi vẫn kiên cường chiến đấu và đang thắng thế trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar.

Bất chấp sự ngăn cản, đàn áp của các tướng lĩnh quân đội, bà Aung San Suu Kyi vẫn kiên cường chiến đấu và đang thắng thế trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đang hướng tới một chiến thắng vang dội trong lịch sử Myanmar sau cuộc bầu cử hôm 9/11. Dù kết quả bầu cử chính thức chưa được công bố, nhà lãnh đạo dân chủ này có vẻ như chắc chắn sẽ kiểm soát được hạ viện và có thể nắm đa số trong quốc hội Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước các cử tri sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar. Ảnh: Reuters
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước các cử tri sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar. Ảnh: Reuters 
Nếu chiến thắng, đảng NLD sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng hai năm sau, cũng như trong việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc và lựa chọn các bộ trưởng cùng 14 lãnh đạo vùng để tiến tới xây dựng một nhà nước dân chủ và liên bang đích thực.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng đây là một chiến thắng lớn của người phụ nữ được mệnh danh là "Quý bà" trước các tướng lĩnh quân đội thuộc đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) đã nắm quyền Myanmar suốt hàng chục năm qua.
Cuộc chiến 25 năm
Lần gần đây nhất bà Suu Kyi giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử là vào năm 1990, khi lực lượng dân chủ do bà lãnh đạo đạt số phiếu bầu áp đảo trước đại diện của chính quyền quân sự Myanmar và kiểm soát 80% số ghế trong Quốc hội, theo NYTimes.
Các tướng lĩnh quân đội cầm quyền nhanh chóng đáp trả bằng cách bác bỏ kết quả bỏ phiếu, giam lỏng bà Suu Kyi tại nhà, bắt bớ hàng nghìn người ủng hộ bà, trong đó có nhiều người bị tra tấn, đánh đập. Hành động này của chính quyền quân sự đã đẩy Myanmar vào một thời kỳ đen tối, trở nên lạc lõng so với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và chính trị của các quốc gia láng giềng.
Thế nhưng Quý bà vẫn không chịu khuất phục và kiên trì con đường đấu tranh vì dân chủ cho Myanmar, bất chấp những trở ngại mà các tướng lĩnh Myanmar gây ra để ngăn cản bà lên nắm quyền.

Là con gái của người anh hùng lập quốc Aung San, người bị ám sát ngay sau khi Myanmar giành được độc lập từ thực dân Anh, bà Suu Kyi được người dân Myanmar trìu mến gọi là "Mẹ Suu", hay đơn giản hơn là "Quý bà" với tình yêu mến và ngưỡng mộ. "Sự nghiệp của cha bà ấy còn dang dở, và bà luôn nghĩ rằng mình phải có nghĩa vụ hoàn thành", Bertil Lintner, một người viết tiểu sử về bà Suu Kyi, cho biết.
Trong cuộc chiến thầm lặng kéo dài một phần tư thế kỷ này, bà Suu Kyi đã trở thành biểu tượng quý báu của người dân Myanmar chống lại quyền lực của các tướng lĩnh và sự nghèo đói, tụt hậu của đất nước so với các quốc gia láng giềng, ông U Than Nyunt, một thành viên đảng NLD cho biết.
Trong 25 năm đó, thời thế đã đổi khác rất nhiều, khi Myanmar ngày càng hội nhập với thế giới, và thế giới cũng quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị ở đất nước này. Sau khi kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử ngày 9/11 được công bố, người dân Myanmar đã bất chấp mưa gió đổ ra đường hò reo ăn mừng. "Tôi không ăn được gì từ hôm qua vì quá vui sướng. Điều này sẽ thay đổi mọi thứ ở nước tôi", cử tri Daw Than Than Htay nói.
"Đừng bao giờ coi nhẹ nguyện vọng của người dân. Rõ ràng người dân bầu cho chúng tôi vì họ tin rằng chúng tôi có thể mang lại hy vọng và thay đổi cho họ", U Khin Maung Yi, thành viên đảng NLD, tuyên bố.
Người dân Myanmar đổ ra đường ăn mừng kết quả bầu cử. Ảnh: NYTimes
Người dân Myanmar đổ ra đường ăn mừng kết quả bầu cử. Ảnh: NYTimes 
Bà Cherry Zahau, ứng cử viên đảng Tiến bộ Chin, cũng thừa nhận thất bại trước đảng của bà Suu Kyi, đồng thời bày tỏ sự thán phục trước tình cảm yêu mến mà người dân Myanmar dành cho bà. "Thật không thể tin nổi, cử tri ở bang tôi còn không biết các ứng cử viên khác là ai. Họ chỉ biết sẽ bầu cho Quý bà!"
Suu Kyi "giống như con gái tôi vậy. Tôi muốn thấy bà ấy cứu vớt đất nước này", cụ bà 89 tuổi Daw Nyo cười móm mém khi được hỏi về Quý bà.
Lực cản
Dù đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, bà vẫn phải đối mặt với thế lực lớn trên con đường đưa đất nước đến với nền dân chủ thực sự, đó là quân đội, khi họ vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong nền chính trị Myanmar.
Khi bà Suu Kyi đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỏi bà rằng ở Myanmar, quân đội hay đảng NLD mạnh hơn. "Quân đội", bà đã không ngần ngại trả lời. Bởi vậy, bà không hề ảo tưởng rằng với kết quả bầu cử này, bà có thể đánh bại được hết các tướng lĩnh, theo bình luận viên Larry Jagan của tờ Bangkok Post.
Bất cứ điều gì đảng NLD định làm cho chính phủ tiếp theo đều sẽ phải "nhìn mặt" quân đội, khi các tướng lĩnh, sĩ quan vẫn nắm giữ một phần tư ghế trong Quốc hội, và bộ trưởng của Bộ Biên giới, Quốc phòng và Nội vụ đều là người do quân đội chỉ định.
Theo các chuyên gia phân tích, bà Suu Kyi có thể sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thành viên cứng rắn trong quân đội, những người từng điều hành chính phủ quân sự trước năm 2011 và coi bà như một "kẻ thù".
Thống soái Than Shwe, người từng lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar trong gần 20 năm, có thể là một trong những người người lo lắng nhất sau cuộc bầu cử, khi những đối thủ chính trị cũ từng bị ông đàn áp giờ đây đang có cơ hội lên nắm quyền.
Sau khi thực hiện cuộc cải cách chính trị vào năm 2011 và dựng lên một chính phủ dân sự để tránh nguy cơ bị cô lập về chính trị và kinh tế, thống soái Than Shwe được cho là vẫn tiếp tục điều binh khiển tướng từ sau hậu trường. Ông và các tướng lĩnh khác hiện sống trong một khu vực biệt lập được canh gác nghiêm ngặt tại Naypyitaw, thủ đô được ông dựng lên thay thế cho Yangon.
Thống soái Than Shwe, viên tướng quyền lực của quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters
Thống soái Than Shwe, viên tướng quyền lực của quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters 
Ông nắm trong tay Hội đồng An ninh Quốc phòng của quân đội, một cơ quan có quyền lực còn lớn hơn cả Quốc hội. Thế nên trong trường hợp quân đội quyết định tấn công một nhóm dân tộc thiểu số, chính phủ mới của bà Suu Kyi sẽ không có quyền can thiệp. Điều này khiến nhiều người tin rằng quyền lực thực sự ở Myanmar vẫn do quân đội nắm giữ, dù đảng NLD có thành công đến đâu.
Để có thể lãnh đạo được người dân Myanmar đến với nền dân chủ thực sự, bà Suu Kyi sẽ phải vận dụng kỹ năng chính trị cao độ và ý chí kiên cường, để giữ cho tướng lĩnh và các binh sĩ ở yên trong doanh trại, không can thiệp và quá trình hòa giải dân tộc và giải quyết những vấn đề tồn đọng ở Myanmar, giới phân tích nhận định.

Nguồn: Trí Dũng/Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn