Cú 'quay đầu' của Tổng thống Pháp không hiệu quả, 10.000 người biểu tình xuống đường ở Paris

Thế giớiChủ Nhật, 09/12/2018 07:12:00 +07:00

Những người biểu tình chống chính phủ đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Pháp ngày 8/12, đốt phá xe cộ và cửa hàng trong ngày cuối tuần thứ tư liên tiếp, tạo áp lực lớn chưa từng có với chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron.

Theo Reuters, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay, vòi rồng và phương tiện để ngăn chặn những người biểu tình trên đường tràn ra từ đại lộ Điện Elysee. Dù vậy cuộc biểu tình được đánh giá là ít bạo lực hơn một tuần trước, khi thủ đô nước Pháp chứng kiến biểu tình tồi tệ nhất kể từ cuộc bạo động sinh viên năm 1968.

bieu-tinh-phap-3

Người biểu tình Áo Vàng ở Marseille. (Ảnh: Reuters)

Khi đêm đến và những người biểu tình trở về nhà, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner nói có khoảng 10.000 người biểu tình ở Paris và khoảng 125.000 người trên cả nước. Bordeaux, Lyon, Toulouse và những thành phố khác cũng chứng kiến đụng độ lớn giữa người biểu tình và cảnh sát ngày 8/12.

“Tình hình hiện tại đã được kiểm soát” – ông Castaner nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Ông cho biết khoảng 120 người biểu tình và 20 cảnh sát đã bị thương trên toàn quốc. Gần 1.000 người bị bắt giữ, 620 người ở Paris, sau khi cảnh sát tìm thấy những vật dụng có khả năng làm vũ khí như búa và gậy bóng chày họ mang theo.

Ông Philippe cho biết cảnh sát cảnh giác cả đêm vì một số người biểu tình tiếp tục di chuyển trong thành phố. Các nhóm người trẻ, nhiều người trong số đó đeo mặt nạ, tiếp tục xung đột với cảnh sát ở khu vực Place de la Republicque trong khi một số cửa hàng bị hôi của.

Được đặt tên theo hình ảnh chiếc áo vàng các tài xế Pháp phải mang theo, biểu tình “Áo khoác Vàng” bùng phát không rõ nguồn gốc ngày 17/11, khi gần 300.000 người biểu tình trên toàn quốc xuống đường phản đối giá cả đời sống tăng cao và các chương trình cải cách kinh tế của Tổng thống Macron.

Những người biểu tình cho rằng các chương trình cải cách kinh tế có lợi cho người giàu và không giúp được gì cho người nghèo. Họ gọi cuộc biểu tình ngày 8/12 là “Act IV” (Hành động 4) sau 3 ngày thứ Bảy biểu tình liên tiếp.

Chính phủ Pháp trước đó vài ngày đã hủy một kế hoạch tăng thuế xăng dầu nhằm giảm căng thẳng tình hình, nhưng những người biểu tình đã chuyển sang một cuộc phản đối rộng lớn hơn nhằm vào Tổng thống Macron.

“Một ngày và đêm thật buồn ở Paris” – Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter. “Có lẽ đã đến lúc để kết thúc Thỏa thuận Paris đắt đỏ và nực cười để trả lại tiền cho người dân dưới dạng thuế thấp hơn?”

Những cửa hàng bị phá hoại

Các cuộc biểu tình đang gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế mong manh ở Pháp ngay khi mùa lễ Giáng sinh bắt đầu.

Các nhà bán lẻ đã mất khoảng một tỷ euro doanh thu kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra và cổ phiếu liên quan đến du lịch đã trải qua tuần tồi tệ nhất trong nhiều tháng.

Các khu vực bên phải (Right Bank) sông Seine đã bị đóng cửa ngày 8/12, với nhiều cửa hàng sang trọng, các cửa hàng bách hóa, nhà hàng và quán cà phê. Bảo tàng Louvre, Tháp Eiffel và Nhà hát Opera Paris cũng bị đóng cửa.

Những người biểu tình đã để lại dấu vết phá hủy trên đường phố, các văn phòng ngân hàng và công ty bảo hiểm bị đập vỡ cửa sổ, xe hơi và xe tay ga bốc cháy, đồ đạc trên đường phố bị phá hoại.

Trên mặt trước của một quán cà phê Starbucks, những kẻ phá hoại đã viết nguệch ngoạc: "Không có công lý tài chính, không có công lý xã hội."

Chính phủ Pháp cảnh báo các nhóm cực hữu, vô chính phủ và chống tư bản có thể sẽ xâm nhập vào các cuộc biểu tình. Trong số các cuộc đụng độ, có những cuộc đối mặt giữa cảnh sát và các nhóm thanh niên trùm đầu, một số sử dụng mặt nạ.

Dù vậy, trật tự dường như đang được duy trì tốt hơn trong tuần này, ông Jean Jean-Francois Barnaba, một trong những người phát ngôn áo vàng không chính thức, nói với Reuters.

"Tuần trước cảnh sát đã dùng hơi cay với chúng tôi một cách bừa bãi. Lần này hành động của họ có mục tiêu rõ ràng hơn", ông nói.

Cú "quay đầu" của Tổng thống Macron

Chính phủ Pháp trong tuần này đã đưa ra những nhượng bộ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng, bao gồm cả việc loại bỏ kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu năm 2019, lần "quay đầu" lớn đầu tiên xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống Macron. Nó sẽ tiêu tốn của Kho bạc 4 tỷ euro (4,5 tỷ đô la).

Nhưng những người phản đối muốn ông Macron tiến xa hơn để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, bao gồm tăng mức lương tối thiểu, giảm thuế, trợ cấp hưu trí tốt hơn và thậm chí muốn ông từ chức.

"Chúng tôi muốn có sự bình đẳng, chúng tôi muốn sống chứ không phải sống sót", người biểu tình Guillaume Le Grac, 28 tuổi, làm việc trong một lò mổ ở Britanny nói.

Tổng thống Macron dự kiến sẽ đưa ra phát biểu vào đầu tuần tới để có thể làm mềm các cải cách và tăng thuế đã được lên kế hoạch.

>>> Đọc thêm: Cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông biểu tình ở Pháp, hơn 400 người bị bắt giữ

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn