Công ty Mỹ sẽ chịu hình phạt gì nếu 'vượt rào' hợp tác với Huawei?

Thế giớiThứ Hai, 03/06/2019 12:00:00 +07:00

Việc ra quyết định có hay không tuân thủ lệnh cấm của chính phủ, cắt đứt quan hệ với Huawei được cho là sự "cá cược" đầy rủi ro với các công ty công nghệ Mỹ.

Trong hai tuần qua, Huawei mất gần như các đối tác lớn do lệnh cấm thương mại của Mỹ, bao gồm cả vụ "chia tay" đình đám với Google, Corning và ARM, theo The Verge. Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có - cả về nguồn cung lẫn thị trường đầu ra.

Nhưng một số đối tác lớn của Huawei vẫn giữ im lặng - đáng chú ý nhất là Microsoft, công ty chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về lệnh cấm, dù đã âm thầm rút máy tính xách tay Huawei khỏi trang web bán hàng trực tuyến của mình.

vuot rao huawei

Các công ty cố tình "vượt rào" không thực hiện lệnh cấm của chính phủ Mỹ, có thể đối mặt một loạt các hình phạt dân sự. (Ảnh: Reuters).

Microsoft là một trong những đối tác phần mềm lớn nhất của Huawei, cấp phép và bảo trì Windows trên một số máy tính xách tay Huawei. Rất có thể Microsoft chỉ im lặng vì sự nhạy cảm của vấn đề, nhưng sự im lặng này đặt ra một câu hỏi: Nếu Microsoft (hoặc bất kỳ công ty nào khác) bất chấp lệnh cấm thương mại của chính quyền Trump và tiếp tục hợp tác với Huawei, thì họ sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?

Theo The Verge, nếu các công ty cố tình "vượt rào" không thực hiện lệnh cấm của chính phủ, có thể đối mặt một loạt các hình phạt dân sự. Tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị phạt tiền, hạn chế hoặc cắt cấp phép xuất khẩu. Tất cả được quyết định bởi những nhà điều tra của cơ quan Thực thi Xuất khẩu Mỹ (EE). 

Nếu các vi phạm đủ nghiêm trọng, các công ty có thể phải đối mặt với hình phạt hình sự, như một vụ án hồi tháng 5 trong đó một người đàn ông ở New Jersey bị kết án về tội âm mưu xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.

Nếu xét đến vị trí quan trọng của Microsoft trong ngành công nghệ, dựa vào các hợp đồng với chính phủ và quốc tế, họ ít có khả năng bị án phạt tù nhưng có thể sẽ bị phạt rất nhiều tiền và các lệnh cấm dân sự khác. 

Bên cạnh đó, không chỉ các công ty Mỹ cần phải tuân thủ lệnh cấm này của chính phủ. Khi các công ty luật đang gấp rút làm rõ những gì có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, trong đó bao gồm bất cứ tổ chức, cá nhân nào có sử dụng công nghệ Mỹ đều phải tuân theo các hạn chế thương mại. Điều này có nghĩa là gần như tất cả những mối quan hệ đối tác của Huawei đều bị cắt đứt.

Dù công ty không ở Mỹ nhưng nếu sản xuất sản phẩm có sử dụng công nghệ nguồn gốc Mỹ, họ vẫn phải cần giấy phép BIS nếu muốn cung cấp sản phẩm cho Huawei. Điều này khiến các công ty như ARM (Anh), có trụ sở bên ngoài Mỹ và cung cấp kiến trúc chip đã có kế hoạch ngừng cấp phép cho Huawei ngay sau khi chính quyền Donald Trump công bố lệnh cấm. 

Tuy nhiên, sự im lặng của Microsoft có thể vì họ muốn "câu giờ". Bản thân ông Trump ám chỉ rằng các hạn chế có thể được gỡ bỏ như một phần của thỏa thuận thương mại, trước khi đợt thuế quan mới có hiệu lực vào ngày 25/6. Nếu thỏa thuận thực sự đạt được, việc giữ im lặng vượt qua cơn bão có vẻ khá thông minh với Microsoft. Nếu ngược lại, hành động chần chừ thực hiện lệnh cấm của chính phủ sẽ nguy hiểm cho chính Microsoft.

Video: Người Việt lo lắng khi sử dụng điện thoại Huawei

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn