Công tố viên đề xuất 5 án tử hình trong phiên xử vụ án giết nhà báo Jamal Khashoggi

Thế giớiThứ Năm, 03/01/2019 23:06:00 +07:00

Công tố viên Arab đề nghị án tử đối với 5 trong số 11 nghi can, nhưng không nêu lý do 7 người bị bắt khác không bị truy tố.

Phiên xét xử đầu tiên đối với các nghi can liên quan đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi diễn ra hôm nay tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út, AP đưa tin. Toàn bộ 11 nghi can có mặt tại tòa cùng luật sư bào chữa.

Công tố viên đề nghị 5 án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo liên quan trực tiếp đến vụ giết người. Thông báo ban đầu của trưởng công tố Ả Rập Xê Út không nêu tên những người này, cũng không giải thích tại sao 7 người bị bắt khác không bị đưa ra xét xử trong phiên tòa hôm nay. Ả Rập Xê Út trước đó tuyên bố 18 người bị bắt.

Các nghi can yêu cầu được cung cấp bản sao cáo trạng và đề nghị có thêm thời gian để chuẩn bị cho vụ án. Dù đưa ra thông báo mơ hồ về tình tiết vụ án, công tố viên Ả Rập Xê Út công kích Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc quan chức ở Ankara không phản hồi hai đề nghị cung cấp bằng chứng của họ. 

"Cho đến nay, công tố viên Arab vẫn chưa nhận được phản hồi nào và chúng tôi vẫn đang chờ đợi", thông báo cho hay.

1

Nhà báo Jamal Khashoggi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bahrain năm 2014. 

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận. Ankara trước đó nhiều lần khẳng định đã chia sẻ bằng chứng với Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác về vụ sát hại Khashoggi. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Ả Rập Xê Út dẫn độ 18 nghi phạm nhưng Riyadh từ chối. Quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên tục rò rỉ các video, hình ảnh và chi tiết gây sốc xung quanh cái chết của Khashoggi để gây áp lực cho Ả Rập Xê Út.

Theo giới quan sát, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ả Rập Xê Út đề nghị án tử hình đối với các nghi can. Theo số liệu gần đây nhất của Tổ chức Ân xá quốc tế, Ả Rập Xê Út là quốc gia thi hành án tử hình nhiều thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Iran. Ả Rập Xê Út đã tử hình ít nhất 146 người theo hình thức chặt đầu. 

Khashoggi, nhà báo từng viết nhiều bài phê bình chế độ Arab cũng như chính sách của Thái tử Mohammed bin Salman, bị giết sau khi tới lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Sau nhiều lần bác bỏ, Ả Rập Xê Út thừa nhận trách nhiệm trong vụ giết Khashoggi vì không thể thuyết phục nhà báo này về nước. Thi thể của ông bị cắt thành nhiều phần, đưa ra khỏi lãnh sự quán và chuyển cho một kẻ đồng lõa chưa được xác định.

truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/12 công bố đoạn video cho thấy ba người đàn ông mang theo những chiếc valy và túi lớn được cho là đựng thi thể Khashoggi đi vào dinh thự của tổng lãnh sự Ả Rập Xê Út. Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Khashoggi bị đánh đập, tra tấn và bị phân xác ngay trong lãnh sự quán.

>>> Đọc thêm: Nhà báo Khashoggi bị sát hại: Tổng thư ký LHQ kêu gọi một cuộc điều tra 'đáng tin cậy'

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn