Chuyên gia Mỹ phân tích những điểm sáng trong hội nghị Mỹ - Triều lần hai

Thế giớiThứ Bảy, 02/03/2019 11:20:00 +07:00

Những gì diễn ra trong Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội thực tế có thể tạo ra một nền tảng mạnh mẽ hơn cho các cuộc đối thoại trong tương lai, chuyên gia về chính sách Mỹ - Triều nhận định.

Phân tích cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, các chuyên gia an ninh và quốc phòng Mỹ đặt ra câu hỏi về việc cho rằng hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận là chưa thành công.

"Lịch sử của mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên trong 25 năm qua giống như một cuốn truyện tranh, là hiểu biết trắng đen về lịch sử... và hội nghị thượng đỉnh lần này, rõ ràng là một phần của lịch sử đó, cũng được khắc họa theo phong cách như vậy", Joel Wit, giám đốc của 38 North, một trang web chuyên phân tích về Triều Tiên, cho biết hôm 1/3 tại New York.

chuyen-gia-diem-sang-hoi-nghi-my-trieu-1

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị lần hai. (Ảnh: AP)

"Cả hai nhà lãnh đạo đều đầu tư rất nhiều vào quá trình, đặc biệt là ông Kim Jong-un", Wit nhận định. Ông Wit là người đã phối hợp thực hiện Khung thỏa thuận Mỹ-Triều Tiên năm 1994 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton.

Theo Wit, quá trình của ông Kim không phải đơn thuần chỉ để tập hợp các phương tiện truyền thông quốc tế cho một bức ảnh, giống như nhiều người nói. Đó là một sự thay đổi thực sự trong chính sách của Triều Tiên và ông đang cố gắng di chuyển sang một con đường khác. "Đã có tiến bộ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về một loạt các vấn đề, chỉ là không đủ để đạt được một thỏa thuận cuối cùng." - chuyên gia nhận xét.

Wit không cung cấp thông tin cụ thể về những tiến bộ đạt được, nhưng ấn tượng của ông phù hợp với nhận xét của một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã nói vào ngày 1/3: "Chúng tôi đã kết thúc ở một giai đoạn rất tốt giữa cả hai bên."

"Chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận vào thời điểm này, nhưng chúng tôi đã chạm đến một mức độ chi tiết mà trước đó không đạt được trong thời gian dài, kể từ tuyên bố chung của Singapore (vào tháng 6), bao gồm cả những điều như định nghĩa về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon - một vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi khi tìm cách tháo gỡ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt Triều Tiên" - vị quan chức nói với các phóng viên.

Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, được quân đội Triều Tiên xây dựng từ những năm 1990, được coi là "trái tim" của chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng.

Trong các cuộc đàm phán cấp độ làm việc dẫn đến cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim, Triều Tiên đã đề nghị dỡ bỏ địa điểm này, để đổi lấy việc dỡ bỏ một loạt các biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Theo quan chức Mỹ, nếu Triều Tiên chưa sẵn sàng đóng băng chương trình hạt nhân, Mỹ lo ngại việc trao cho họ hàng tỷ USD khi giảm nhẹ lệnh trừng phạt sẽ trở thành trợ cấp cho sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây.

"Chúng tôi chưa đạt được một thỏa thuận vì chưa có thỏa thuận nào nằm ở đó", vị quan chức nói, bổ sung rằng còn những cơ hội để "tiếp tục nói chuyện".

Chuyên gia bảo mật Scott Snyder ngày 28/2 cho rằng diễn biến ở Hà Nội "thực tế đã tăng thêm phần minh bạch cho khoảng cách tồn tại giữa Bình Nhưỡng và Washington", cả về sự tin cậy và về những điều hai bên hiểu về quy mô phi hạt nhân hóa và quy mô dỡ bỏ trừng phạt.

Video: Báo Triều Tiên nhận định tích cực về thượng đỉnh Mỹ - Triều

Snyder, chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ-Hàn nói với các phóng viên trong một cuộc gọi ngắn gọn, rằng kết quả hội nghị lần hai thực tế có thể cung cấp một nền tảng vững chắc hơn cho những đối thoại trong tương lai so với kết quả họp tại Singapore.

Theo ông, không thực hiện được một thỏa thuận, "đã cung cấp cho Mỹ và Triều Tiên một cơ hội hiểu rõ hơn mong muốn của nhau" - ông hy vọng các cuộc đàm phán cấp cao sẽ sớm được nối lại.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, người dẫn đầu các cuộc thảo luận ở cấp thấp hơn, trong các cuộc đàm phán tại Hà Nội, đặt ra câu hỏi về việc tích hợp các cuộc đàm phán cấp độ làm việc và cấp lãnh đạo. Ông Trump đã đi cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, người có kinh nghiệm còn hạn chế về chính sách đối ngoại.

Theo Snyder, "đúng là cấu trúc của các cuộc họp có thể được tổ chức tốt hơn để củng cố tầm quan trọng của đặc phái viên" - người mà Triều Tiên từng có kinh nghiệm tương tác và chấp thuận. Ông Biegun đã đến Bình Nhưỡng đầu tháng 2 để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại hội nghị.

Stephen Biegun

 Ông Stephen Biegun. (Ảnh: SCMP)

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn