Bị ra tối hậu thư, Đức kêu gọi Pháp họp khẩn

Thế giớiThứ Tư, 20/06/2018 14:40:00 +07:00

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc hội đàm khẩn ngày 19/6, sau khi người đứng đầu chính phủ Đức bị ra tối hậu thư phải có giải pháp ngăn chặn làn sóng nhập cư vào nước này trước ngày 28/6.

Cuộc hội đàm được tổ chức khẩn cấp trong bối cảnh thành viên trong Liên minh cầm quyền của Đức gây áp lực cho bà Merkel, cụ thể đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo Bavaria (CSU) đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng phải đóng cửa biên giới Đức, nếu bà không thành công thuyết phục các thành viên của EU đưa ra một giải pháp ngăn chặn làn sóng nhập cư tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu vào ngày 28/6 tới đây.

h_53645592-1160x773

 Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel. (Ảnh: EPA) 

Sau khi thảo luận, hai nhà lãnh đạo thống nhất rằng dòng người nhập cư vào Châu Âu cần phải giới hạn và chính sách nhập cư không phải là vấn đề riêng của một quốc gia nào, nó đang trở thành mối đe dọa an ninh của hầu hết các quốc gia EU. Tuy nhiên, chính phủ Đức đang phải chịu sức ép rất lớn do bà Merkel là một trong những nhà lãnh đạo đi đầu và tích cực kêu gọi mở cửa tiếp nhận người nhập cư.

Đỉnh điểm chỉ tính trong năm 2015 có khoảng 1 triệu người nhập cư vào nước Đức. Năm 2017 dòng người này đã giảm đáng kể xuống còn khoảng 170 nghìn người.

Tuy vậy thời gian gần đây chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel bị liên tục bị chỉ trích, điều đáng nói là ngay trong đảng Liên minh cầm quyền do bà làm chủ tịch. Đảng CSU dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer đã yêu cầu bà Merkel phải ngay lập tức thay đổi quy tắc tiếp nhận người tị nạn trên biên giới của Đức mà không cần phải thỏa thuận với các nước thành viên EU khác.

rtx1pocf

 An ninh Châu Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi làn sóng nhập cư. (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó Bà Merkel khẳng định rằng một quyết định như vậy nên được thảo luận với EU bà yêu cầu đảng CSU cho bà thêm thời gian đến trước hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức vào ngày 28/6.

Bất bình với chính sách của bà Merkel lên đến đỉnh điểm, Bộ trưởng Horst Seehofer thậm chí còn tuyên bố rằng ông “không thể tiếp tục làm việc với người phụ nữ này’’ – ám chỉ Thủ tướng Merkel. Trong trường hợp bà Merkel không đạt được thỏa thuận gì mới với các thành viên EU về việc giới hạn dòng người nhập cư vào nước Đức, ông Seehofer sẽ ban hành một sắc lệnh cấp Bộ ngay lập tức đóng cửa biên giới Đức liên quan đến tình trạng an ninh báo động.

Tổng thống Pháp Macron đồng ý với Thủ tướng Đức rằng các thành viên EU cần có trách nhiệm chung và phải thống nhất trong một thỏa thuận để cuộc chiến ngăn chặn các dòng người tị nạn đổ về Châu Âu có hiệu quả hơn.

Thủ tướng Merkel tuyên bố: “Chúng tôi coi đây là một thách thức chung, trong đó việc đầu tiên chúng ta phải làm là đối phó với nguyên nhân gây ra các dòng người tị nạn này’’. Theo bà, vì điều này EU nên đóng góp tích cực hơn trong việc hòa giải xung đột Ukraine và Syria.

Hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức cũng ủng hộ việc thành lập một Văn phòng di trú châu Âu để điều phối lượng người di trú ở các nước thành viên EU, sẽ chịu trách nhiệm cấp các thủ tục nhập cư cho người tị nạn trên biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát biên giới châu Âu được đưa ra dựa trên cấu trúc hiện tại của Frontex - Lực lượng biên phòng chung Châu Âu. 

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn